Ủy viên EU nhấn mạnh các quốc gia châu Âu nên giám sát dòng tiền gửi nước ngoài với khuyến cáo rằng nếu các cơ chế giám sát không đủ mạnh thì một trong những cách để đối phó là giảm tỷ lệ tiền gửi nước ngoài. Latvia là một trong những nước lớn tiếng nhất châu Âu khi đề cập tới các rủi ro do tiền gửi nước ngoài mang lại, sau khi những cáo buộc về các giao dịch bất hợp pháp tiền có nguồn gốc từ Nga đã hạ bệ ABLV - ngân hàng lớn thứ ba Latvia hồi năm ngoái. Sau vụ bê bối, Ngân hàng trung ương Latvia (Riga) đã đặt ngưỡng tối đa 5% đối với tiền gửi nước ngoài, vốn từng đạt đỉnh khi chiếm tới khoảng một nửa tiền gửi trong các ngân hàng của Latvia ngay sau khi nước này gia nhập Khu vực đồng euro (Eurozone) năm 2014.
Hầu hết các quốc gia Eurozone đều chứng kiến tỷ lệ tiền gửi nước ngoài giảm trong nửa cuối năm ngoái, sau khi các công tố viên mở một cuộc điều tra vào tháng 7/2019 tại Ngân hàng Danske vì cáo buộc rửa tiền tại chi nhánh ở Estonia - trung tâm của một trong những vụ bê bối rửa tiền lớn nhất từ trước đến nay.
Theo số liệu từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), trong các tháng 7-12/2018, lượng tiền gửi tại các ngân hàng Eurozone của các cá nhân và doanh nghiệp bên ngoài khối này đã giảm 12% xuống 1.100 tỷ euro (1.200 tỷ USD). Ngoài một số quốc gia như Luxembourg, Ireland, Phần Lan và Bồ Đào Nha, hầu hết các nước Eurozone đều chứng kiến lượng tiền gửi của nước ngoài sụt giảm. Hiện Luxembourg có tỷ lệ tiền gửi nước ngoài lớn nhất Eurozone (17%), với giá trị 63 tỷ euro.