EU phân bổ thêm hơn 27 triệu USD cho viện trợ nhân đạo ở các nước châu Phi

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 12/1, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết đã phân bổ thêm 25,5 triệu euro (hơn 27 triệu USD) cho một số quốc gia châu Phi để giải quyết hậu quả của cuộc khủng hoảng lương thực, cũng như hậu quả của xung đột và di dời. Số tiền này bổ sung cho khoản tài trợ nhân đạo được phân bổ năm ngoái.

Chú thích ảnh
Người tị nạn nhận lương thực cứu trợ tại Gondar, Ethiopia. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

EC nêu rõ khoản tài trợ bổ sung này sẽ được sử dụng để củng cố các chương trình bảo trợ xã hội và các lĩnh vực then chốt như hỗ trợ lương thực, dinh dưỡng, nước sạch và vệ sinh. Tại các khu vực xung đột, khoản kinh phí trên cũng sẽ được phân bổ để hỗ trợ những người dân mới di dời và những cộng đồng tiếp nhận họ. Các quốc gia thụ hưởng bao gồm Algeria (2 triệu euro), Cameroon (2 triệu euro), CH Trung Phi (4 triệu euro), CH Chad (2 triệu euro), Sudan (10 triệu euro), khu vực phía Nam châu Phi và Ấn Độ Dương (5,5 triệu euro).

Ủy viên châu Âu phụ trách quản lý khủng hoảng Janez Lenarčič cho biết Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục thể hiện tình đoàn kết với châu Phi và nỗ lực nhằm giải quyết những hậu quả của các cuộc xung đột và việc di dời cục bộ. Ở một số quốc gia châu Phi, hàng triệu người đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực và đang có nguy cơ lâm vào nạn đói. Tại các khu vực khác của lục địa này, tác động của cuộc khủng hoảng lương thực trở nên trầm trọng hơn do tình hình an ninh ngày càng xấu đi và bạo lực gia tăng dẫn đến tình trạng di dời trong nước và mất sinh kế. Ngoài ra, thời tiết khắc nghiệt cũng đang dẫn đến những đợt di dời mới ở châu Phi. Ông Janez Lenarčič nêu rõ: “Khoản tài trợ bổ sung được EU phê duyệt sẽ hỗ trợ các đối tác nhân đạo cung cấp viện trợ cho những người cần nhất trên khắp châu Phi”.

Cùng ngày, Cơ quan Phát triển của Pháp (AFD) cho hay mặc dù đã khắc phụ được những tác động kinh tế liên quan đến đại dịch COVID-19, châu Phi vẫn tiếp tục gánh chịu những khó khăn dai dẳng, đặc biệt là về lương thực, trong bối cảnh xung đột ở Ukraine vẫn đang tiếp diễn. 

Theo Giám đốc nghiên cứu của AFD Thomas Mélonio, GDP bình quân đầu người ở châu Phi sẽ vượt mức năm 2019 ngay trong năm nay, theo đó châu lục này trở thành một trong các khu vực quay trở lại mức tăng trưởng trước đại dịch. Tuy nhiên, tình hình kinh tế ở khu vưc này vẫn khó khăn và tình hình quốc tế được dự báo vẫn còn nhiều thay đổi khó lường. 

Trong khi đó, ông Bio Goura Soulé, một chuyên gia tại Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS), cho rằng sau khi đạt mức cao kỷ lục vào tháng 3/2022, giá lương thực thế giới đã giảm xuống vào cuối năm, đặc biệt là sau khi Ukraine nối lại hoạt động xuất khẩu lúa mì qua Biển Đen. Nhờ vậy, châu Phi đã thoát khỏi nguy cơ xảy ra nạn đói tràn lan mà Liên hợp quốc (LHQ) lo ngại hồi năm ngoái. Tuy nhiên, giá phân bón liên tục tăng vẫn có thể ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp trong năm nay. Nhìn rộng hơn, tình hình liên quan đến an ninh lương thực còn lâu mới ổn định, nhất là khi hầu hết các quốc gia cần hỗ trợ lương thực trên thế giới đều ở châu Phi.

Trung Khánh  (TTXVN)
Nga, Ukraine thảo luận về viện trợ nhân đạo
Nga, Ukraine thảo luận về viện trợ nhân đạo

Ngày 11/1, Ủy viên Nhân quyền Nga Tatiana Moskalkova đã có cuộc họp với người đồng cấp Ukraine Dmytro Lubinets để thảo luận vấn đề viện trợ nhân đạo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN