EU: Những nước khuyến nghị tiêm mũi vaccine tăng cường có thể gặp rủi ro pháp lý

Những nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) quyết định khuyến nghị tiêm mũi vaccine tăng cường ngừa COVID-19 có thể sẽ phải đối mặt với các rủi ro pháp lý vì hiện Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) chưa phê chuẩn tiêm mũi này.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Cologne, Đức ngày 9/5/2021. Ảnh minh họa: Getty Images/TTXVN

Ngày 26/8, Ủy ban châu Âu (EC) – cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu (EU) - đã đưa ra cảnh báo trên sau khi 8 nước châu Âu đã khuyến nghị tiêm mũi tăng cường và hơn 10 nước khác sẽ sớm có hành động tương tự. 

Trong một tuyên bố, EMA nêu rõ các mũi vaccine ngừa COVID-19 tăng cường hiện chưa được cấp phép thương mại và chưa được EMA tiến hành đánh giá khoa học do chưa có đủ dữ liệu. Điều này đồng nghĩa với việc trong trường hợp xảy ra tác dụng không mong muốn liên quan đến mũi vaccine tăng cường, những nước EU khuyến nghị tiêm mũi vaccine thứ ba này có thể phải chịu các hậu quả về mặt pháp lý và các yêu cầu bồi thường. Bên cạnh đó, công ty sản xuất vaccine cũng không được miễn trách nhiệm hoàn toàn nếu có rủi ro với tiêm mũi tăng cường không có sự phê chuẩn của EMA. Ví dụ, trong trường hợp xảy ra tác dụng phụ sau khi tiêm mũi tăng cường mà nguyên nhân là do quy trình sản xuất thì hãng sản xuất vaccine phải chịu trách nhiệm. EU chỉ chịu trách nhiệm và bồi thường trong những trường hợp xảy ra tác dụng xấu ngoài dự tính liên quan tới đặc tính chung của vaccine. Mỗi công ty cung cấp vaccine ngừa COVID-19 cho EU đã đàm phán nhiều điều khoản khác nhau mà phần lớn vẫn được giữ bí mật.

Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC), Áo, Bỉ, Pháp, Hungary, Liechtenstein, Litva, Luxembourg và Slovenia hiện đang đề nghị tiêm mũi vaccine tăng cường trong khi Đức dự định đưa ra đề nghị như vậy trong mùa Thu này. 13 quốc gia khác ở châu Âu đang thảo luận vấn đề này. 

Trong những tháng gần đây, EU đã dự trữ hàng tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 do một vài hãng dược sản xuất để sử dụng cho những năm tới. Theo EU, số lượng vaccine này có thể được sử dụng để tiêm mũi tăng cường nhằm phòng ngừa các biến thể mới hoặc để viện trợ cho những nước nghèo. 

Tuần trước, Chính phủ Mỹ thông báo kế hoạch tiêm mũi vaccine tăng cường đại trà cho toàn bộ người dân bắt đầu từ ngày 20/9 trong bối cảnh số ca mắc mới gia tăng do biến thể Delta. Quyết định trên được giới chức y tế Mỹ đưa ra dựa trên số liệu cho thấy hiệu quả của các mũi vaccine ngừa COVID-19 tại Mỹ bắt đầu giảm dần sau vài tháng.

Minh Châu  (TTXVN)
Xu hướng người Mỹ tiêm mũi tăng cường để chống biến thể Delta
Xu hướng người Mỹ tiêm mũi tăng cường để chống biến thể Delta

Alison Toni, một người Mỹ đang sinh sống tại Chile, đã đến thăm bố mẹ mình ở Minneapolis hồi tháng 4 vừa qua khi cô trở về Mỹ tiêm mũi đầu tiên vaccine của hãng Pfizer. Hai tháng sau đó, cô quay lại Mỹ để tiêm mũi thứ hai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN