Đây là nội dung tuyên bố chung do Ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đưa ra tại hội nghị ở Brussels (Bỉ) ngày 18/3.
Để giải quyết những khoản chi ngày càng tăng nhằm ứng phó với các đợt nắng nóng, hạn hán nghiêm trọng và mực nước biển dâng, EU đang chứng minh rằng mục tiêu tài chính khí hậu mới không thể chỉ do khu vực công thực hiện. EU kêu gọi các nguồn tài chính bổ sung, mới và sáng tạo từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch và các ngành phát thải cao khác. EU cũng sẽ tiếp tục yêu cầu các nền kinh tế lớn mới nổi, những nước phát thải CO2 cao và những quốc gia giàu có tính theo bình quân đầu người phải đóng góp cho mục tiêu tài chính khí hậu mới của LHQ.
Dự kiến, Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP29) diễn ra tại thủ đô Baku của Azerbaijan vào tháng 11 tới là thời hạn chót để các quốc gia nhất trí về mục tiêu toàn cầu mới – số tiền mà các nước công nghiệp giàu có phải đóng góp để hỗ trợ những nước nghèo hơn ứng phó với những tác động nghiêm trọng nhất của tình trạng biến đổi khí hậu. Việc xác định những quốc gia nào phải đóng góp cũng được cho là vấn đề then chốt tại sự kiện này.
Mục tiêu tài chính khí hậu mới dự kiến sẽ lớn hơn nhiều so với cam kết hiện tại của LHQ rằng các nước giàu sẽ cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm kể từ năm 2020, điều mà họ chưa thực hiện đúng thời hạn. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho rằng nhu cầu đầu tư thực tế vào các hành động khí hậu ở các quốc gia nghèo có thể lên tới 1.000 tỷ USD/năm từ nay đến năm 2025.