Tờ Financial Times ngày 22/10 dẫn lời các nhà ngoại giao cho biết Liên minh châu Âu (EU) có thể gia hạn lệnh trần giá khí đốt khẩn cấp từ mùa Đông năm ngoái để tránh xảy ra một đợt tăng giá mới.
Theo báo cáo, mặc dù giá năng lượng gần đây đã giảm xuống và lượng khí đốt dự trữ ở mức cao, EU vẫn lo ngại rằng nguồn cung cấp khí đốt vào mùa sưởi ấm có thể gặp rủi ro vì cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas hiện nay.
“Chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra trong năm nay. Chúng ta đang có xung đột ở Israel và không rõ điều đó sẽ ảnh hưởng thế nào đến hàng nhập khẩu từ Trung Đông”, một nhà ngoại giao EU nói với Financial Times. Trước đó, nhiều nhà phân tích cảnh báo rằng mọi sự leo thang xung đột đều có thể khiến giá xăng tăng vọt.
Ngoài ra, các vụ phá hoại tiềm tàng đối với cơ sở hạ tầng khí đốt, đặc biệt là sau vụ rò rỉ gần đây tại đường ống Balticconnector, cũng đáng báo động. Đường ống dẫn khí đốt dưới biển nối giữa Phần Lan và Estonia đã bị đóng cửa hồi đầu tháng 10 và được cho là hậu quả của một hành vi phá hoại cố ý.
Một nguồn tin nói với tờ tạp chí Anh rằng sau sự cố trên, các cơ sở hạ tầng khác nên chuẩn bị sẵn các hợp đồng bảo hiểm.
Theo báo cáo, 10 quốc gia thành viên EU, trong đó có Đức và Áo, đã gửi thư tới Ủy ban châu Âu (EC) vào cuối tuần này để đề nghị gia hạn các biện pháp khẩn cấp được đưa ra trong cuộc khủng hoảng năng lượng mùa Đông năm ngoái. Vào thời kỳ cao điểm của cuộc khủng hoảng năng lượng do Nga cắt đứt nguồn cung khí đốt sang châu Âu liên quan đến chiến sự tại Ukraine, giá khí đốt trong khối EU đã có lúc lên tới hơn 300 euro mỗi megawatt giờ.
Một trong những giải pháp đề phòng có thể là “cơ chế điều chỉnh thị trường”, qua đó giới hạn giá khí đốt ở mức 180 euro mỗi megawatt giờ, nếu các hợp đồng khí đốt tương lai giao dịch ở mức cao hơn trong ba ngày liên tiếp.
Mặc dù nhiều người đã phản đối cơ chế giới hạn giá khí đốt tại thời điểm đó khi cho rằng nó sẽ bóp méo thị trường, EC khẳng định “không có dấu hiệu nào cho thấy nó gây tác động tiêu cực” kể từ khi có hiệu lực. Giá khí đốt hiện thấp hơn gần 90% so với năm ngoái. Tuy nhiên, giới hạn này sẽ hết hạn vào tháng 1/2024.
Trong số những biện pháp khác được đề xuất gia hạn là các quy định khẩn cấp cho phép các nước EU đẩy nhanh việc phê duyệt các trang trại điện gió và năng lượng mặt trời mới, cũng như nới lỏng quy định viện trợ của nhà nước cho các dự án năng lượng tái tạo.
Được biết, Đức và Pháp cũng đã yêu cầu EC mở rộng quy định khẩn cấp cho phép các quốc gia thành viên cấp trợ cấp cho người tiêu dùng đang phải đối mặt với giá năng lượng cao. Tuy nhiên, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Estonia và Phần Lan đã phản đối động thái này, cho rằng điều đó là không cần thiết, cũng như không có cơ sở pháp lý để kéo dài luật này.
EC dự kiến công bố những biện pháp khẩn cấp cần được gia hạn vào tháng tới.
Hiện tại, các cơ sở lưu trữ dưới lòng đất của châu Âu đã được lấp đầy 97,89% (cao hơn 8,54 điểm phần trăm so với mức trung bình vào thời điểm này trong 5 năm qua), chứa 107,75 tỷ m3 khí đốt.
Giữa tháng 8 vừa qua, các nước châu Âu đã đạt mục tiêu lấp đẩy 90% các kho chứa khí đốt dưới lòng đất để đáp ứng giai đoạn nhu cầu sưởi ấm tăng cao. Trước đó, Ủy ban châu Âu lên kế hoạch đạt được chỉ số này vào tháng 11.