Biểu tượng của Google và Facebook trên màn hình máy tính bảng. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Theo tờ Politico ngày 3/7, ông Robin Berjon - cựu Phó Chủ tịch phụ trách quản trị dữ liệu của New York Times - và bà Cori Crider - chuyên gia tại Viện Tương lai Công nghệ - cho rằng quyền tự chủ công nghệ cần trở thành ưu tiên trong định hướng chính trị của EU. Hai chuyên gia nhấn mạnh việc duy trì sức ép thực thi nghiêm túc các quy định, đặc biệt là Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA), là yếu tố quan trọng để bảo vệ lợi ích kinh tế và nền dân chủ số của châu Âu.
Nhiều năm qua, các tập đoàn công nghệ Mỹ như Google, Apple hay Meta đã kiểm soát phần lớn hạ tầng số quan trọng, từ công cụ tìm kiếm, mạng xã hội, quảng cáo trực tuyến cho tới các trình duyệt. Thực trạng này khiến nền kinh tế số của EU phụ thuộc sâu, tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu không chủ động xây dựng hạ tầng độc lập.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục gia tăng sức ép địa chính trị, EU cần duy trì lập trường kiên định để bảo vệ lợi ích của mình. Kết quả khảo sát mới nhất của YouGov cũng cho thấy đa số người dân tại Đức, Pháp và Tây Ban Nha ủng hộ việc Brussels siết chặt quy định với các tập đoàn Big Tech, ngay cả khi điều này có thể ảnh hưởng đến quan hệ với Washington.
Theo Politico, chỉ riêng các án phạt hành chính sẽ không đủ để thay đổi cục diện thị trường. Chẳng hạn, Google từng nhiều lần bị xử phạt nhưng vẫn duy trì vị thế gần như độc quyền trong lĩnh vực quảng cáo số. Vì vậy, EU cần cân nhắc các biện pháp mạnh hơn, như buộc chia tách các tập đoàn công nghệ lớn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và các nền tảng thay thế phát triển.
Ngoài biện pháp chế tài, các chuyên gia cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư vào các dự án hạ tầng số độc lập, khuyến khích doanh nghiệp châu Âu phát triển mạng xã hội, công cụ tìm kiếm và dịch vụ đám mây tự chủ. Nguồn lực này có thể được đảm bảo một phần từ các khoản thuế và phí thu hồi từ Big Tech.
Một chuyên gia được Politico trích dẫn cho rằng “chủ quyền số không thể bị mặc cả để đổi lấy sự yên ổn tạm thời, vì điều đó sẽ khiến châu Âu phải trả giá đắt về lâu dài”.
Bà Henna Virkkunen, Ủy viên phụ trách công nghệ của EU, cũng từng nhấn mạnh rằng khung quy định công nghệ số của khối “không phải là điều có thể thương lượng” và cần được thực thi nghiêm túc, thay vì trông chờ các tập đoàn công nghệ tự nguyện tuân thủ.