Tuyên bố trên được đưa ra ngày 14/10 sau khi Tổ chức thương mại thế giới (WTO) cùng ngày chính thức chấp thuận cho phép Washington có động thái đáp trả đối với EU.
Phát biểu trong cuộc họp báo, Ủy viên Thương mại EU, bà Cecilia Malmstrom khẳng định EU sẽ duy trì sức ép đối với Mỹ cho đến giây phút cuối cùng để xem liệu Washington có thể ngừng việc áp thuế hay không. Dự kiến, các biện pháp thuế của Mỹ nhằm vào hàng hóa EU sẽ có hiệu lực vào ngày 18/10 tới.
Bà Malmstrom kỳ vọng trong bối cảnh còn 4 ngày nữa các biện pháp thuế của Mỹ mới có hiệu lực, EU không từ bỏ hy vọng cuối cùng để thuyết phục Washington "đình chiến". Quan chức châu Âu này cho biết thêm trong bức gửi Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, bà tái khẳng định cho dù Mỹ được quyền áp thuế đối với hàng hóa của EU, song không có nghĩa là Washington buộc phải thực thi điều đó.
Theo chính sách thuế mới của Mỹ, máy bay Airbus của châu Âu sẽ phải chịu mức thuế bổ sung là 10% kể từ ngày 18/10. Riêng rượu vang của Pháp, Đức và Anh sẽ phải chịu mức thuế là 25%. Mức thuế này cũng được áp dụng với các sản phẩm pho mai của các nước châu Âu và các mặt hàng may mặc của Anh như com-lê, áo len cashmere hay bộ đồ ngủ.
Phía EU đang muốn sử dụng các cuộc đàm phán như biện pháp tối ưu nhằm giải quyết bất đồng thương mại với Mỹ, qua đó tránh căng thẳng thương mại leo thang hai bên, gây ảnh hưởng đến kinh tế các nước khác. Tuy nhiên, nếu hai bên không đạt được thỏa thuận, EU sẽ có cơ hội áp thuế đáp trả đối với hàng hóa của Mỹ vì Brussels đã có động thái pháp lý tương tự tại WTO với cáo buộc Boeing cũng được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp trái phép của Chính phủ Mỹ.
WTO cho rằng cả Airbus và Boeing đều đã nhận được hàng tỷ USD trợ cấp trong vụ tranh cãi thương mại lớn nhất trên thế giới ở cấp độ doanh nghiệp. Tuy nhiên, Washington được phép đánh thuế trước vì Mỹ khởi kiện trước 9 tháng. Dự kiến, WTO sẽ đưa ra quyết định về quyền trả đũa của EU liên quan đến trợ cấp của Mỹ dành cho Boeing vào đầu năm 2020.