Trong một bài đăng trên mạng xã hội X, Ủy viên EU về quản lý khủng hoảng Janez Lenarcic cho biết: "Chúng tôi kêu gọi Israel mở thêm cửa khẩu để có thêm viện trợ tới Dải Gaza, bao gồm cả khu vực miền Bắc, và để giảm bớt các hạn chế hải quan tổng thể".
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi ông Lenarcic có cuộc trao đổi trực tuyến với Thủ tướng Qatar Abdulrahman Al Thani, các ngoại trưởng Cyprus, Mỹ và Anh, cùng Điều phối viên cấp cao của Liên hợp quốc về hoạt động nhân đạo và tái thiết tại Dải Gaza - bà Sigrid Kaag.
Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, trong một phát biểu trên kênh truyền hình Aljazeera ngày 14/3, giới chức Phong trào Hồi giáo Hamas cũng khẳng định "viện trợ cho Gaza qua đường biển là không đủ".
Người phát ngôn của lực lượng Hamas - ông Salama Marouf tuyên bố việc gửi một tàu viện trợ từ Cyprus đến Dải Gaza là giải pháp chưa thỏa đáng đối với nhu cầu của 2,4 triệu người dân tại đây. Ông bày tỏ quan ngại: “Theo những gì đã được thông báo, hàng hóa trên tàu chỉ giới hạn ở mức 1 hoặc 2 xe tải và sẽ mất nhiều ngày để đến nơi. Vẫn chưa biết tàu sẽ cập bến ở đâu và làm thế nào để tàu đến được bờ biển Gaza. Hơn nữa, tàu có thể sẽ phải chịu sự kiểm tra của quân đội Israel”.
Trong diễn biến mới nhất, Đức đã "bật đèn xanh" cho hoạt động không vận viện trợ nhân đạo tới Gaza. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius, cuộc không vận sẽ được quân đội Đức triển khai sớm nhất vào cuối tuần này. Dự kiến, hai máy bay vận tải C-130J Hercules của Đức sẽ tham gia chiến dịch không vận, trong đó mỗi máy bay có thể vận chuyển tới 18 tấn hàng hóa.
Hoạt động không vận thả hàng viện trợ nhân đạo cho người dân tại Dải Gaza do Jordan khởi xướng và hiện có sự tham gia của Mỹ và Pháp.