Phát biểu của bà Ursula von der Leyen được đưa ra trong bối cảnh Thủ tướng Italy Mario Draghi, cũng đang thăm Israel, cho biết Rome đang tìm cách tăng cường cung cấp khí đốt từ Israel.
Theo bà Ursula von der Leyen, sau khi các thành viên Liên minh châu Âu (EU) cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine, Điện Kremlin đã trả đũa bằng cách nhắm vào dòng chảy khí đốt từ Nga đến EU.
Cho đến nay, Nga đã cắt nguồn cung khí đốt đối với Ba Lan, Bulgaria và Phần Lan, cũng như các công ty Hà Lan và Đan Mạch. Tuy nhiên, phía Moskva giải thích nguyên nhân dừng hợp đồng với những quốc gia trên là do họ không thực hiện thanh toán hóa đơn bằng đồng nội tệ rúp, theo điều chỉnh mới của Chính phủ Nga nhằm đối phó với các lệnh trừng phạt tài chính của phương Tây.
Chủ tịch EC cho biết cơ quan này đang khai thác các khả năng để thúc đẩy hợp tác năng lượng với Israel, trong đó có lắp đường cáp điện dưới nước và khí đốt đường ống ở phía Đông Địa Trung Hải.
Hiện tại, Israel đang xuất khẩu khí đốt sang Ai Cập. Từ đây, khí đốt sẽ được hóa lỏng và chuyển đến châu Âu.
Các bên đã tiến hành đàm phán kể từ tháng 3 vừa qua về việc thiết lập khung pháp lý cho phép Israel xuất khẩu nhiều khí đốt hơn sang châu Âu thông qua Ai Cập.
Ngoài ra, EU cũng đặt hy vọng vào dự án EastMed - đường ống dẫn dưới đáy biển nối Israel với Hy Lạp và Italy qua Cyprus.
Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đặt nghi vấn về tính khả thi của dự án trên do nó cần đến nguồn kinh phí khổng lồ và kéo dài nhiều năm.
Phát biểu tại cuộc gặp với người đồng cấp Israel, Thủ tướng Italy Mario Draghi cho biết hai nước đang phối hợp khai thác các nguồn khí đốt từ phía Đông Địa Trung Hải và phát triển năng lượng tái tạo.
"Chúng tôi muốn giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga cũng như đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng hướng tới các mục tiêu khí hậu mà chúng tôi đã đặt ra", ông Draghi nói thêm.
Dự án đường ống Israel-Türkiye, ước tính cần 3 năm và 1,5 tỷ USD để hoàn thành, là một lựa chọn khác để đưa khí đốt của Israel đến các thị trường châu Âu.