Cờ Liên minh châu Âu tại Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN
Theo tờ Politico, mặc dù ông Trump đã tuyên bố tạm ngừng thực hiện kế hoạch tăng thuế trong vòng 90 ngày, song giới chức EU không vì thế mà lơi lỏng. Trái lại, các cuộc thảo luận đang tăng tốc để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất nếu các nỗ lực đàm phán với Washington không mang lại kết quả.
Một nhà ngoại giao EU cho rằng EU nên hành xử điềm tĩnh, tập trung và có phản ứng chiến lược. Một số quốc gia thành viên đã chủ động đề xuất kế hoạch ứng phó thương mại, với tâm thế chuẩn bị kỹ lưỡng trong giai đoạn tạm hoãn này.
Tại hội nghị diễn ra tại Bảo tàng Quân đội Ba Lan, nơi Ba Lan giữ vai trò chủ trì trong nhiệm kỳ luân phiên của Hội đồng EU, bên cạnh thương mại, lĩnh vực quốc phòng cũng được đặc biệt chú trọng. Warsaw kỳ vọng hội nghị lần này sẽ thúc đẩy việc thành lập một quỹ tái vũ trang quy mô lớn, cho phép các nước ngoài EU như Anh và Na Uy tham gia, nhằm tăng cường năng lực phòng thủ trước các thách thức an ninh từ cuộc xung đột tại Ukraine.
Dù châu Âu đang được “giảm nhiệt” nhờ quyết định hoãn tăng thuế của Tổng thống Trump, nhưng các biện pháp như thuế 10% với hàng nhập khẩu từ EU (thay vì 20% như dự kiến), cùng loạt thuế với thép, nhôm và ô tô vẫn tiếp tục có hiệu lực. Điều này khiến nhiều nước EU phải tính toán lại tác động tiêu cực đến tăng trưởng và việc làm nếu cuộc chiến thương mại leo thang.
Sự chênh lệch về năng lực tài chính giữa các quốc gia EU cũng gây lo ngại, đặc biệt nếu các nền kinh tế lớn mạnh có thể hỗ trợ doanh nghiệp trong nước vượt qua khủng hoảng, trong khi các nước yếu hơn thì không. Bộ trưởng Tài chính Tây Ban Nha Carlos Cuerpo đề xuất sử dụng nguồn thu từ thuế mới để hỗ trợ doanh nghiệp toàn khối, trong khi Bộ trưởng Tài chính Italia Giancarlo Giorgetti kêu gọi tạm thời nới lỏng các quy định chi tiêu nghiêm ngặt - một đề xuất vẫn còn gây tranh cãi.
Trong bối cảnh đó, việc tái vũ trang đang trở thành ưu tiên của các nước sát biên giới Nga. Một đề xuất không chính thức từ Viện nghiên cứu Bruegel đã được Warsaw ủng hộ, hướng tới việc thành lập quỹ chung để cùng mua sắm vũ khí. Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Hà Lan và Anh đã tham gia các cuộc trao đổi sơ bộ xoay quanh sáng kiến do Bộ Tài chính Anh đề xuất, với nội dung tương tự đề xuất của Ba Lan. Ngoài ra, Anh, Na Uy và Thụy Sĩ - ba quốc gia ngoài EU với xếp hạng tín dụng AAA - cũng được mời tham dự hội nghị tại Warsaw.
Tuy nhiên, sự đồng thuận vẫn là một thách thức. Nhiều quốc gia Nam Âu tỏ ra không mặn mà với việc tăng chi tiêu quốc phòng do không nằm gần Nga. Một nhà ngoại giao EU nhận định đề xuất này sẽ khó nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Dẫu vậy, một số quan chức cho rằng sáng kiến này có thể giúp đạt được mục tiêu tái vũ trang trong ba năm thay vì mười năm nếu chỉ dựa vào các cơ chế hiện có.
Giới phân tích cho rằng nếu xung đột ở Ukraine còn kéo dài và bất ổn thương mại tiếp diễn, khả năng cao EU sẽ phải tính đến phương án vay chung - điều từng gây tranh cãi trong các khủng hoảng trước đây.