Theo thỏa thuận, EU sẽ cấp cho Ukraine các khoản vay bằng tiền mà Ủy ban châu Âu huy động được trên thị trường nợ, sử dụng các quỹ khác của EU làm tài sản thế chấp. Chính phủ Ukraine đang gặp khó khăn trong việc duy trì các dịch vụ cơ bản trong bối cảnh nền kinh tế nước này bị chiến tranh tàn phá, trong khi cơ sở hạ tầng năng lượng hứng chịu các cuộc tấn công liên tiếp của Nga. EU đã phải đối mặt với áp lực từ Kiev và Washington yêu cầu tăng cường tài trợ cho Ukraine. Mỹ đã cung cấp gần 32 tỷ USD viện trợ cho Ukraine kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra hồi tháng 2, bao gồm gần 20 tỷ USD cho vũ khí và hỗ trợ an ninh khác. EU cam kết cung cấp các khoản vay ưu đãi và viện trợ không hoàn lại với tổng giá trị 10,2 tỷ euro cho Kiev trong năm 2022 nhưng đến nay vẫn còn thiếu 3 tỷ euro. Bên cạnh đó, EU cũng viện trợ vũ khí ít hơn so với cam kết. Những tranh cãi nội bộ đã cản trở thỏa thuận của EU về khoản vay dành cho Ukraine trong năm 2023.
Việc Hungary rút lại lời đe dọa ngăn chặn gói viện trợ 19 tỷ USD cho Ukraine dù EU tiếp tục đóng băng 6,3 tỷ euro từ các quỹ dành cho nước này được đánh giá là thất bại đáng kể của Thủ tướng Viktor Orban. Các nước EU còn lại đã nhất trí thực hiện đề xuất vay nợ chung để tài trợ cho Ukraine mà không có Hungary nếu cần thiết. Tuy nhiên, EU cũng đã nhượng bộ khi số tiền cho Hungary bị đóng băng là 6,3 tỷ euro so với con số 7,5 tỷ euro mà Ủy ban châu Âu đề xuất trước đó.