Tuy nhiên, EU vẫn chưa thể đạt được đồng thuận về biện pháp cấm vận đối với lĩnh vực thương mại quan trọng nhất – đó là hợp đồng mua bán dầu mỏ, khí đốt với Nga.
EU, khu vực hiện phải nhập khẩu 60% nhiên liệu, vẫn đang phải thanh toán cho Nga nhiều khoản tiền lớn, nhất là khi hai mặt hàng dầu mỏ, khí đốt tăng giá mạnh do hiệu ứng từ xung đột ở Ukraine.
Ủy viên cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU, ông Josep Borrell, ngày 6/4 cho biết kể từ khi Moskva mở chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine hôm 24/2, EU đã trả cho Nga 35 tỉ euro (38 tỉ USD) để nhập khẩu năng lượng từ Nga. Cùng ngày, các nước thành viên EU cũng đã đồng ý với đề xuất mới nhất do Ủy ban châu Âu đệ trình về cấm nhập khẩu than đá từ Nga. Quyết định chính thức có thể sẽ sớm được công bố trong ngày 8/4. Trung bình, EU nhập khẩu lượng than trị giá 4 tỉ euro/năm từ Nga.
Giới chức EU và một số quốc gia thành viên trong khối cũng đang kêu gọi thực hiện lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga. Nhưng những đề xuất như vậy tiếp tục gặp vấp phải sự phản đối của Đức và nhiều nước thành viên. Cùng lúc, Mỹ và Anh trong ngày 6/4 đã công bố nhiều lệnh trừng phạt mới nhằm vào các thực thể tài chính, ngân hàng của Nga, cấm các doanh nghiệp đầu tư mới vào Nga.
Theo Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ (NEC) Brian Deese, một loạt lệnh cấm vận do Mỹ và châu Âu dựng lên đang có tác động đến kinh tế Nga, nhưng cần có thêm thời gian để “ngấm” hiệu lực. “Chúng ta cần kiên trì và có tầm nhìn xa khi lượng định tác động mà Nga phải hứng chịu từ cơ chế trừng phạt chưa có tiền lệ mà chúng ta đã triển khai” – ông Deese nêu quan điểm.
Chính quyền Đức cho rằng cấm vận dầu khí sẽ gây hại đến kinh tế EU, ở cấp độ lớn hơn nhiều so với khả năng phát động cuộc chiến của Nga. Theo dữ liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), EU nhập khẩu khoảng 3 triệu thùng dầu/ngày. Nga cũng cung cấp lượng khí đốt lớn cho châu Âu, chiếm tới 40% tổng khí đốt nhập khẩu của khối này trong năm 2021.
Sức ép đòi EU giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga tăng lên sau khi xuất hiện cáo buộc của Ukraine và một số tổ chức quan sát độc lập, cho rằng binh sĩ Nga đã sát hại dân thường ở nhiều khu vực trên lãnh thổ Ukraine, nổi bật là ở Bucha (ngoại ô Kiev).
Về phần mình, Nga kiên quyết bác bỏ những cáo buộc này. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Pesko cho biết Moskva “thực sự nghi ngờ” những báo cáo, thông tin mà Ukraine và phương Tây công bố nhằm quy trách nhiệm cho Nga. “Với những gì xem được, chất liệu video phần lớn không đáng tin. Các chuyên gia của Bộ Quốc phòng Nga đã phát hiện ra một số dấu hiệu video chỉnh sửa, video giả tạo”, ông Peskov nói. Moskva tuyên bố đó là vụ dàn dựng nhằm phá hoại tiến trình đàm phán giữa Nga và Ukraine.
Ba Lan và ba nước vùng Baltic là Estonia, Litva, Latvia là bên lên tiếng mạnh nhất đòi EU dừng mua khí đốt từ Nga. Nhưng luồng quan điểm này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Đức, Hungary và Áo. Berlin đã công khai cảnh báo về nguy cơ đói nghèo và thất nghiệp hàng loạt tại Đức nếu những ngành công nghiệp, hộ gia đình tại nền kinh tế đầu tàu EU này “từ biệt” khí đốt Nga.
Ngày 6/4, đúng bốn ngày sau khi tái đắc cử nhờ chiến thắng vang dội trong kỳ bầu cử, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết Budapest sẵn sàng chi trả khí đốt nhập khẩu từ Nga bằng đồng rúp. Trong chiến dịch tranh cử vừa qua để hướng đến một nhiệm kỳ cầm quyền 5 năm, ông Orban cam kết sẽ chặn bất cứ dự thảo trừng phạt nào có nguy cơ làm gián đoạn khả năng tiếp cận khí đốt của Hungary với nguồn cung từ Nga.
Một số nước EU đã đề xuất ý một số ý tưởng giảm khối lượng dầu nhập khẩu từ Nga mà không cần kích hoạt một lệnh trừng phạt toàn diện. Một trong số này là áp thuế nhập khẩu lớn nhằm vào nguồn dầu thô của Nga để từ đó hạn chế nhu cầu tiêu thụ trong EU. Tuy nhiên, đề xuất này có thể sẽ gặp phải rào cản chính trị đối với nhiều nước trong khối, khi mà chính phủ sở tại phải đối mặt với sức ép từ người tiêu dùng, giới lái xe, doanh nghiệp về giá nhiên liệu tăng vọt.