Theo hãng tin Reuters, quốc gia đông dân thứ hai châu Phi hồi đầu tháng 12 tuyên bố họ dự định chính thức công bố tình trạng vỡ nợ do đang phải chịu áp lực tài chính nghiêm trọng sau đại dịch COVID-19 và cuộc nội chiến kéo dài hai năm vừa kết thúc vào tháng 11/2022.
Đáng lẽ Ethiopia phải thực hiện thanh toán vào ngày 11/12, nhưng về mặt kỹ thuật thì ngày 26/12 mới là hạn cuối nhờ điều khoản “thời gian ân hạn” 14 ngày được ghi trong loại trái phiếu trị giá 1 tỷ USD này.
Theo hai nguồn thạo tin, các trái chủ vẫn chưa được trả lãi tính đến cuối ngày 22/12 - ngày làm việc cuối cùng của ngân hàng quốc tế trước khi hết thời gian ân hạn.
Các quan chức chính phủ Ethiopia đã không trả lời yêu cầu bình luận vào cuối tuần qua. Nhưng vụ vỡ nợ được nhiều người dự đoán trước trên sẽ khiến nước này cùng với hai quốc gia châu Phi khác là Zambia và Ghana tham gia tái cơ cấu "Khuôn khổ chung" toàn diện.
Quốc gia Đông Phi này lần đầu tiên yêu cầu giảm nợ theo sáng kiến Sáng kiến đình chỉ nghĩa vụ trả nợ do Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) thúc đẩy vào đầu năm 2021.
Tiến độ ban đầu bị trì hoãn do tình hình nội chiến, nhưng thực trạng kho dự trữ ngoại hối cạn kiệt và lạm phát tăng cao, các chủ nợ chính phủ chính thức của Ethiopia - trong đó có Trung Quốc - đã đồng ý một thỏa thuận đình chỉ nghĩa vụ trả nợ vào tháng 11.
Ngày 8/12, chính phủ Ethiopia cho biết các cuộc đàm phán song song mà họ thực hiện với các quỹ hưu trí và các chủ nợ tư nhân khác nắm giữ trái phiếu của họ đã thất bại.