Theo kênh CNBC ngày 21/8, ngày càng nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan do khí hậu gây ra đang gây thiệt hại cho các tuyến đường vận chuyển chính của thế giới.
Đang trải qua hạn hán, mực nước thấp đã khiến Panama phải giảm số lượng tàu thuyền đi qua kênh đào Panama vốn có vai trò cực kỳ quan trọng.
Các biện pháp này đã khiến nhiều tàu thuyền tắc nghẽn khi chờ đi qua tuyến đường mà nhiều công ty lựa chọn. Đi qua kênh đào Panama giúp cắt giảm thời gian di chuyển giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.
Hồi đầu tháng 8, Cơ quan Quản lý Kênh đào Panama cho biết các biện pháp này là cần thiết vì đang có những thách thức chưa từng có. Cơ quan này nói thêm rằng mức độ nghiêm trọng của hạn hán năm nay là không có tiền lệ trong lịch sử.
Tình trạng tắc nghẽn ở kênh đào Panama diễn ra ngay sau khi cơ quan thời tiết của Liên hợp quốc tuyên bố hiện tượng El Nino bắt đầu xảy ra. Đây là một hiện tượng khí hậu lớn có khả năng làm cho nhiệt độ toàn cầu và các điều kiện thời tiết khắc nghiệt gia tăng.
Ông Peter Sands, nhà phân tích tại công ty Xeneta, cho biết các điểm tắc nghẽn hàng hải có ở khắp nơi, nhưng thông thường chỉ những sự cố nghiêm trọng như vụ tắc nghẽn kênh đào Suez năm 2021 mới có xu hướng ảnh hưởng tới quá trình vận chuyển hàng hóa.
Khi đó, Ever Given, một trong những tàu container lớn nhất thế giới, mắc cạn gần một tuần vào tháng 3/2021. Vụ việc đã làm đình trệ giao thông trên một trong những tuyến đường thương mại nhộn nhịp nhất thế giới, gây ra gián đoạn lớn giữa châu Âu, châu Á và Trung Đông.
Từ đó, các nhà phân tích đã cảnh báo rằng thời tiết khắc nghiệt do khủng hoảng khí hậu gây ra có thể làm tăng tần suất xảy ra các sự kiện tương tự như Ever Given. Hậu quả sâu rộng có thể xảy ra đối với chuỗi cung ứng, an ninh lương thực và nền kinh tế khu vực.
Liên quan tới tình trạng tắc nghẽn kéo dài tại kênh đào Panama, ông Sands nói rằng mặc dù giới chức quản lý kênh đào này từng áp đặt các biện pháp hạn chế tàu thuyền do mực nước thấp, nhưng El Nino có thể làm trầm trọng thêm vấn đề.
Theo ông Sands, hạn hán sẽ nghiêm trọng hơn khi bước sang nửa đầu năm 2024. Ông nói: “Ngay bây giờ, chúng tôi thấy rằng mực nước sẽ không đầy lên như một năm bình thường. Vì vậy, đây thực sự là một thảm họa tiềm ẩn đang hình thành”.
Công ty vận tải Maersk của Đan Mạch cho biết hạn hán đang khiến tàu của công ty này phải chở ít hơn khoảng 2.000 container so với số lượng bình thường. Thông thường, các tàu container cần tuân thủ độ sâu tối đa 15m trên kênh đào Panama. Các biện pháp hiện tại yêu cầu các tàu phải tuân thủ mớn nước 13m, buộc các tàu container phải giảm trọng lượng hoặc vận chuyển ít hàng hóa hơn.
Kênh đào Panama có thể là một trong những tuyến đường vận chuyển dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu, nhưng đây không phải là tuyến đường thủy duy nhất đang gặp khó khăn trong đối phó với tác động của thời tiết khắc nghiệt.
Mực nước thấp trên sông Rhine cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Đây là một tuyến đường thương mại quan trọng chảy qua Đức qua các thành phố châu Âu đến cảng Rotterdam.
Vào cuối tháng 7, mực nước tại Kaub đã giảm xuống mức thấp nhất từ đầu năm đến nay. Kaub là một trạm đo ở phía Tây Frankfurt và là điểm nghẽn lớn đối với hàng hóa vận chuyển bằng đường thủy.
Mực nước giảm trên tuyến đường thủy nhộn nhịp nhất châu Âu này đã trở thành hiện tượng thường xuyên trong những năm gần đây, khiến các tàu khó vận chuyển hết công suất và tăng chi phí vận chuyển.
Trong khi đó, công ty môi giới bảo hiểm toàn cầu Marsh từng cảnh báo rằng cần tập trung nhiều hơn vào tìm hiểu các điểm dễ bị tổn thương của các nút thắt trên biển, do ngày càng nhiều sự kiện thời tiết tiêu cực xảy ra.
Trong trường hợp của kênh đào Suez, Marsh cho rằng các rủi ro gồm: tình trạng ngập lụt ven biển - nơi mực nước biển dâng đủ cao để làm ngập cơ sở hạ tầng; nguy cơ nắng nóng cực đoan ngày càng tăng.
Theo Marsh, nếu một trong số 5 tuyến đường thủy chính trên toàn thế giới bị gián đoạn do tai nạn hoặc sự kiện chính trị, tác động sẽ không chỉ xảy ra với chuỗi cung ứng toàn cầu. Năm tuyến đường thủy chính này là kênh đào Suez và Panama, Eo biển Malacca giữa Indonesia và Malaysia, Eo biển Hormuz giữa Iran và Oman và Bab-el-Mandeb giữa Djibouti và Yemen.