Các điểm bỏ phiếu đã đóng cửa sau 10 giờ mở cửa đón cử tri đi bỏ phiếu. Nhà chức trách có 10 ngày để kiểm phiếu và thông báo kết quả.
Cho phép dẫn độ là 1 trong 8 vấn đề được đưa ra trong cuộc trưng cầu ý dân này. Kết quả thăm dò dư luận do công ty Cedatos thực hiện cho thấy có đến 68% những người được hỏi ủng hộ việc cho phép dẫn độ.
Việc dẫn độ người Ecuador bị cấm theo Hiến pháp quốc gia Nam Mỹ này. Tổng thống Ecuador Guillermo Lasso đã đề xuất hợp pháp hóa việc dẫn độ này để giải quyết tình trạng tội phạm đã cướp đi sinh mạng của 2 ứng cử viên trong cuộc bầu cử địa phương diễn ra đồng thời với cuộc trưng cầu ý dân. Ông kêu gọi người dân bỏ phiếu vì "an ninh và thịnh vượng của Ecuador".
Ecuador nằm giữa Colombia và Peru (hai quốc gia được coi là nơi sản xuất thuốc phiện lớn nhất thế giới) và đã trở thành trung tâm buôn bán ma túy toàn cầu trong những năm gần đây. Dù không có bất kỳ cơ sở trồng hay điều chế thuốc phiện cũng như tổ chức ma túy lớn nào, Ecuador vẫn bị Mỹ cho vào danh sách các quốc gia sản xuất và trung chuyển ma túy lớn nhất thế giới. Ma túy được sản xuất ở nơi khác nhưng lại được vận chuyển từ cảng Guayaquil của Ecuador đến Mỹ, châu Âu và châu Á. Điều này dẫn đến các cuộc tranh giành địa bàn hoạt động đẫm máu giữa các băng đảng xảy ra trên đường phố và trong các nhà tù chật ních ở Ecuador, trong đó một số băng đảng có liên hệ với các tổ chức ở Mexico.
Theo số liệu chính thức, tỷ lệ số vụ giết người ở Ecuador đã tăng gần gấp đôi từ 14 vụ lên 25 vụ trên 100.000 người trong thời gian từ năm 2021 đến năm 2022. Các vụ bắt giữ liên quan đến ma túy đã tăng vọt và các vụ tàn sát trong tù đã khiến hơn 400 tù nhân thiệt mạng kể từ năm 2021.
Ở quốc gia láng giềng Colombia, việc dẫn độ đến Mỹ được coi là biện pháp hiệu quả chống lại những kẻ buôn bán ma túy dù hoạt động sản xuất cocaine vẫn phát triển ở Colombia.