Theo hãng thông tấn Nga TASS, các cuộc trưng cầu dân ý đã bắt đầu tại khu vực Lugansk, kéo dài từ ngày 23/9 và sẽ kéo dài đến ngày 27/9. Trong một bài phát biểu qua video vào sáng 21/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Moskva ủng hộ quyết định được đưa ra trong cuộc trưng cầu dân ý.
Cách thức bỏ phiếu
Hình thức bỏ phiếu đã trở thành một chủ đề bàn luận sôi nổi trước ngày trưng cầu dân ý diễn ra. Do hạn chế về mặt thời gian và các vấn đề kỹ thuật, các vùng đã quyết định sử dụng phương pháp truyền thống bầu trên giấy và không bỏ phiếu kỹ thuật số.
Bỏ phiếu trực tiếp tại điểm tiếp nhận sẽ diễn ra duy nhất vào ngày 27/9. Trong 4 ngày trước đó, việc bỏ phiếu được tổ chức theo các địa phương, trong đó các quan chức phụ trách bầu cử đi đến từng nhà nhận phiếu.
Tại hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk (DPR) và Lugansk (LPR), phiếu bầu được in bằng tiếng Nga. Trong khi đó, tại hai vùng Zaporozhye và Kherson, câu hỏi được đưa ra bằng cả tiếng Ukraine và Nga.
Đối với những người dân đã rời khỏi Donbass, Zaporozhye và Kherson, họ vẫn có cơ hội bỏ phiếu, bao gồm cả những người đang ở Nga.
Donetsk đã lập 450 điểm bỏ phiếu tại đây và 200 điểm bỏ phiếu tại Nga. Lugansk lập 461 điểm bỏ phiếu trên địa bàn tỉnh và 201 điểm bỏ phiếu khác ở Nga. Giới chức vùng Zaporozhye thông báo thành lập 394 điểm bỏ phiếu địa phương và 58 điểm khác ở Nga, Donbass và Kherson. Người dân vùng Kherson có cơ hội bỏ phiếu tại Crimea và một số thành phố Nga, trong đó có thủ đô Moskva.
Ủy ban Bầu cử Kherson ước tính có khoảng 750.000 người tham gia bỏ phiếu. Khu vực Zaporozhye cũng nhận được khoảng 750.000 cử tri đăng ký, trong khi cộng hòa tự xưng Donetsk đã in 1,5 triệu phiếu bầu.
Cả bốn khu vực đều tuyên bố cam kết tối đa hóa tính minh bạch và tính hợp pháp của cuộc trưng cầu dân ý, đồng thời mời các quan sát viên quốc tế tới giám sát.
Ngày 21/9, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử LPR Yelena Kravchenko cho biết đang nhận và xem xét đơn của các quan sát viên nước ngoài mặc dù bà không nêu cụ thể tên quốc gia. Theo quan chức bầu cử, các quan sát viên nước ngoài và quan sát viên bản địa sẽ có mặt tại các điểm bỏ phiếu trong những ngày diễn trưng cầu dân ý.
Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Kherson bà Marina Zakharova cũng cho hay giấy mời quan sát viên nước ngoài đã được gửi tới nhiều quốc gia.
Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga cam kết cử quan sát viên của mình tới giám sát các cuộc trưng cầu dân ý. Hạ viện Nga tiết lộ thành viên của tất cả các nhánh trong quốc hội đã nhận được lời mời tham gia giám sát cuộc bỏ phiếu.
Đảm bảo an ninh
Do tình hình bất ổn tại Ukraine, chính quyền địa phương của 4 vùng trên đều chuẩn bị tăng cường các biện pháp an ninh trong những ngày bỏ phiếu để đảm bảo an toàn cho người dân và các quan sát viên nước ngoài.
Vladimir Rogov, Chủ tịch Phong trào công dân “Chúng ta cùng với nước Nga”, cho biết vùng Zaporozhye đã kích hoạt cơ chế chống khủng bố dưới hình thức tập trận với sự tham gia của binh sĩ và các trang thiết bị quân sự, tăng cường hệ thống phòng không. Lối vào các thành phố thuộc Zaporozhye sẽ được kiểm soát nghiêm ngặt trong thời gian trưng cầu dân ý.
Tại khu vực Kherson, các điểm bỏ phiếu sẽ do cảnh sát và Vệ binh Quốc gia Nga canh gác.
Hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ từ quân đội Nga để đảm bảo an ninh tại các điểm bỏ phiếu. Hiện các ủy ban bỏ phiếu địa phương tại Lugansk đã nhận được phiếu bầu và thiết bị cần thiết.
Ủy ban Bầu cử Donetsk cũng đã thành lập một trung tâm tiếp nhận cuộc gọi để tổng kết lá phiếu và phê duyệt sử dụng túi an ninh nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho những lá phiếu và ngăn chặn bên thứ 3 tiếp cận.
Trước đó vào đầu tuần này, lãnh đạo các nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk tuyên bố hai vùng quyết định tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Nga. Các cơ quan lập pháp địa phương đã nhất trí thông qua luật trưng cầu dân ý, trong khi các cơ quan bầu cử cùng đã phê duyệt thủ tục. Ngày 20/9, hai vùng Zaporozhye và Kherson tuyên bố động thái tương tự.
Hãng thông tấn TASS đưa tin phản ứng về động thái trên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định các cuộc trưng cầu dân ý sẽ không ảnh hưởng đến lập trường và mục tiêu của Kiev. Tổng thống Zelensky tiếp tục kêu gọi các quốc gia phương Tây hỗ trợ nhiều hơn cho các lực lượng vũ trang của Ukraine, nhằm giành lại quyền kiểm soát Donbass và một số khu vực khác.
Về phần mình, Mỹ tuyên bố sẽ không công nhận kết quả các cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Nga của bốn khu vực trên. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định: "Nếu những cuộc trưng cầu này được tiến hành và Nga có ý định sáp nhập lãnh thổ Ukraine, Mỹ sẽ không bao giờ công nhận điều đó".
Về phần mình, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg nói rằng liên minh này sẽ coi cuộc trưng cầu dân ý sắp tới về việc gia nhập Nga là "bất hợp pháp", đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế chỉ trích những bước đi như vậy.
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), Josep Borrell, tuyên bố kế hoạch tổ chức trưng cầu dân ý về vấn đề sáp nhập vào Nga vi phạm rõ ràng Hiến chương Liên hợp quốc và độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Theo ông Borrell, kết quả của các hành động là không có hiệu lực, đồng thời không được EU và các quốc gia thành viên công nhận.