Phát biểu khai mạc hội nghị của ECOWAS, Chủ tịch ECOWAS, Tổng thống Nigeria Mahamadou Issoufou nêu rõ ECOWAS có trách nhiệm giúp người dân Mali nhanh chóng hướng tới việc tái thiết lập các cơ quan dân chủ. Ông cũng kêu gọi chính quyền quân sự Mali phối hợp với ECOWAS để đẩy nhanh quá trình này, bởi đây là mong muốn của người dân Mali, cũng như các đối tác chiến lược của quốc gia châu Phi này.
Trước đó, ECOWAS đã áp đặt một số biện pháp trừng phạt đối với Mali và yêu cầu lập lại trật tự Hiến pháp. Tại Hội nghị thượng đỉnh bất thường về Mali hôm 28/8, ECOWAS đã yêu cầu chính quyền quân sự Mali bắt đầu quá trình chuyển đổi dân sự ngay lập tức, theo đó tổ chức bầu cử trong vòng 12 tháng và nhanh chóng thành lập chính phủ để ứng phó với những thách thức hiện nay, để đổi lấy việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.
Cuối tuần qua, chính quyền quân sự Mali cũng đã có cuộc thảo luận với các nhóm đối lập về cam kết chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân sự, trong bối cảnh các nước láng giềng gây sức ép do lo ngại quốc gia này sẽ chìm sâu trong bất ổn.
Tình hình Mali bắt đầu trở nên căng thẳng từ đầu tháng 7 vừa qua khi Phong trào đối lập tháng 5 (M5-RFP) tổ chức biểu tình diện rộng yêu cầu Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita từ chức, coi đây là điều kiện tiên quyết cho mọi cuộc thương lượng giải quyết các khác biệt chính trị trong tương lai.
Ngày 18/8, nhóm binh sĩ tự xưng Ủy ban Quốc gia bảo vệ người dân (CNSP) đã nổi loạn bên ngoài thủ đô Bamako, bắt giữ Tổng thống Keita và Thủ tướng Boubou Cisse cùng một số thành viên trong chính phủ. Chỉ vài giờ sau khi bị các binh sĩ bắt giữ, Tổng thống Keita đã tuyên bố từ chức và giải tán Quốc hội. CNSP tuyên bố nắm quyền lãnh đạo Mali và sẽ tiến hành tổng tuyển cử trong thời gian tới.