Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách của ECB kết luận rằng nền kinh tế Eurozone đang cho thấy có đủ “sức đề kháng” và các rủi ro nhờ vậy nhìn chung vẫn đang được cân bằng, ngay cả khi nhiều ý kiến cho rằng các nhân tố đứng sau đà tăng trưởng chậm lại trong thời gian gần đây có thể không chỉ là tạm thời như dự đoán trước đó.
Các nhà hoạch định chính sách cũng kết luận rằng áp lực giá trong khu vực tiếp tục gia tăng, cho thấy lạm phát sẽ đi lên và quay trở lại mức mục tiêu gần 2% của ECB sau khi rời xa mức này suốt hơn 5 năm qua.
Không nằm ngoài dự đoán, hồi tháng trước ECB đã không thay đổi chính sách, theo đó sẽ giảm dần và tiến đến chấm dứt chương trình mua trái phiếu trị giá 2.600 tỷ euro (3.000 tỷ USD) trong năm nay và tăng lãi suất vào mùa Thu tới, tiếp tục đà thắt chặt chính sách “chậm mà chắc”.
Trên thực tế, dù tình hình căng thẳng thương mại đè nặng lên tăng trưởng, và xu hướng bán tháo trên thị trường chứng khoán càng làm gia tăng những lo ngại, nhưng nhiều nhà hoạch định chính sách cho rằng chừng đó vẫn chưa đủ để ECB thay đổi đường hướng bình thường hóa chính sách.
Giờ đây khi mà chính sách kích thích mạnh mẽ “vô tiền khoáng hậu” được ECB thực hiện suốt nhiều năm qua cuối cùng đã có thể đưa lạm phát đi lên, ECB đã và đang cắt giảm sự hỗ trợ này, nhưng với tiến độ chậm rãi vì lo sợ rằng những bước đi vội vàng có thể làm rối tình hình.
Dù ECB chưa từng cam kết một cách công khai và rõ ràng về việc tăng lãi suất, nhưng nhiều nhà hoạch định chính sách dự đoán rằng ngân hàng này sẽ tăng nhẹ lãi suất trong quý IV/2019.