Sau quyết định trên, ba loại lãi suất chính của ECB là lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi đều tăng lên và lần lượt ở mức 3%, 3,25% và 2,5%. Quyết định của ECB sẽ có hiệu lực từ ngày 8/2 tới.
Tình trạng lạm phát cao kéo dài là nguyên nhân chính khiến ban lãnh đạo ECB quyết định tăng lãi suất. Theo thông báo của ECB, lộ trình tăng lãi suất sẽ được duy trì với tốc độ ổn định và được giữ ở mức phù hợp để đảm bảo lạm phát trở lại theo đúng mục tiêu trung hạn 2%. Một đợt tăng lãi suất nữa cũng được ECB lên kế hoạch cho cuộc họp chính sách tiền tệ tiếp theo vào ngày 16/3 tới.
Thông báo của ECB cho biết việc tăng lãi suất sẽ làm giảm lạm phát thông qua việc làm giảm nhu cầu, đồng thời cũng sẽ bảo vệ chống lại nguy cơ lạm phát thay đổi liên tục. Trong mọi trường hợp, các quyết định về chính sách của ECB sẽ tiếp tục phụ thuộc vào dữ liệu thực tế của nền kinh tế và cách tiếp cận từng cuộc họp của ECB.
Hồi tháng 1 năm nay, Chủ tịch ECB Christine Lagarde đã tái khẳng định quyết tâm của ngân hàng trung ương về việc tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát một cách hợp lý nhất. Mục tiêu lạm phát 2% trong khu vực Eurozone trong trung hạn đã được đặt ra từ nhiều tháng qua.
Theo ước tính ban đầu của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), mặc dù lạm phát suy yếu trở lại trong tháng 1, nhưng giá tiêu dùng trong khu vực sử dụng đồng tiền chung euro vẫn cao hơn 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại Đức, tỷ lệ lạm phát là 8,6% trong tháng 12/2022. Nguyên nhân chính thúc đẩy lạm phát cao vẫn là giá năng lượng và thực phẩm tiếp tục ở mức rất cao. Các chuyên gia kinh tế kỳ vọng rằng quyết định tăng lãi suất lần thứ 5 liên tiếp của ECB sẽ làm giảm đáng kể lạm phát trong thời gian tới.