Theo phóng viên TTXVN tại Đức, trong bối cảnh các cơ quan giám sát tiền tệ châu Âu đang phải gồng mình ứng phó với mức lạm phát cao kỷ lục ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), ECB tại cuộc họp ngày 27/10 đã thông báo tiếp tục tăng các mức lãi suất chủ chốt. Cụ thể, ECB tăng lãi suất tiền gửi lên 1,5% và lãi suất tái cấp vốn lên 2%.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết ngân hàng sẽ làm những gì phải làm, đó là việc tăng lãi suất nhằm bảo đảm ổn định giá cả, qua đó hạn chế những thiệt hại cho nền kinh tế.
Trước đó, tại cuộc họp ngày 21/7, ECB đã tăng lãi suất thêm 0,5% ở khu vực Eurozone lần đầu tiên sau 11 năm và tới ngày 8/9, ECB tiếp tục tăng lãi suất 0,75%, mức tăng cao nhất trong một lần của ngân hàng này, trong đó lãi suất tiền gửi tăng từ mức 0% lên 0,75% và lãi suất tái cấp vốn chính được tăng lên 1,25%.
Các biện pháp của ECB được đưa ra trong bối cảnh lạm phát ở Eurozone tiếp tục tăng trong tháng 9 lên mức cao kỷ lục. So với cùng kỳ tháng 9/2021, giá tiêu dùng tăng 9,9%, mức cao nhất kể từ khi đồng euro được đưa vào sử dụng năm 1999.
Dự kiến, ECB có thể tiếp tục tiếp tục xem xét tăng lãi suất trong tháng 12 tới để ứng phó với mức lạm phát cao hiện nay.
Các nhà kinh tế cho rằng việc tăng lãi suất cao hơn là cần thiết để chống lạm phát hiệu quả. Tuy nhiên, cũng có những lo ngại rằng nền kinh tế vốn đang bị tắc nghẽn nguồn cung và hậu quả của cuộc chiến tranh Ukraine đối với thị trường năng lượng có thể bị chững lại. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) kêu gọi tăng lãi suất hơn nữa. Lãi suất cao hơn rất có thể sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu về nhà ở, đồ nội thất, các mặt hàng tiêu dùng khác, hoặc các dịch vụ giải trí và văn hóa.
Giới chuyên gia kinh tế nhận định nếu việc điều chỉnh chính sách tiền tệ giúp giảm tỷ lệ lạm phát của hàng hóa xuống 1 điểm phần trăm, thì tỷ lệ lạm phát chung sẽ chỉ giảm 0,51 điểm phần trăm.