Trong thông báo ngày 28/8, người phát ngôn của EC nêu rõ: "Cuộc điều tra sơ bộ của chúng tôi đối với Google Jobs đang được tiến hành. Chúng tôi không thể bình luận hoặc dự đoán về thời điểm công bố cũng như kết quả của cuộc điều tra này".
Trước đó, ngày 27/8, Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề cạnh tranh Margrethe Vestager cho rằng vấn đề này cần được giải quyết dưới khía cạnh liên quan tới sự cạnh tranh. Phát biểu tại Berlin (Đức), bà Vestager nhấn mạnh cách thức hoạt động của công cụ tìm kiếm Google đã bị điều chỉnh nhằm ưu tiên đưa các dịch vụ của mình, trong đó có dịch vụ mua sắm trực tuyến Google Shopping, lên trên cùng các kết quả tìm kiếm.
Bà cho biết hành động của Google đã gây tổn hại tới người tiêu dùng và sự cạnh tranh với các đối thủ, và đó là lý do mà EC đã phạt hãng này gần 2,5 tỷ USD do vi phạm các quy định về cạnh tranh. Hiện EC đang xem xét liệu các nền tảng khác của Google, trong đó có Google Jobs, có vi phạm các quy định cạnh tranh hay không.
EC có thể chính thức khởi kiện nếu phát hiện đủ bằng chứng chống lại Google, khi đó "gã khổng lồ" công nghệ có trụ sở ở bang California, Mỹ này có thể sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt thứ 4 do bị EC coi là hãng có vị trí thống lĩnh thị trường quá mức.
Trước đó, vào tháng 7/2017, dịch vụ Google Shopping của Google đã bị phạt 2,42 tỷ euro (2,7 tỷ USD), và sau đó là 4,34 tỷ euro vào tháng 7/2018 vì vi phạm luật chống độc quyền. Tháng 3 vừa qua, Google cũng đã phải nộp phạt 1,49 tỷ euro do vi phạm các quy định về chống độc quyền, cụ thể là các biện pháp hạn chế mà hãng đã áp đặt lên các khách hàng sử dụng dịch vụ quảng cáo AdSense.