Gói đề xuất của EC đề cập các quy tắc đã có từ 10 năm trước đây, mở cửa thị trường thanh toán và sự ra đời của đồng euro kỹ thuật số. Theo EC, điều này sẽ giúp giảm phụ thuộc của châu Âu vào các công ty thanh toán bên ngoài Liên minh châu Âu (EU), bao gồm "bộ đôi quyền lực" của Mỹ là Mastercard và Visa.
Sáng kiến tạo ra một phiên bản kỹ thuật số của đồng tiền chung châu Âu được khởi đầu từ năm 2020, khi Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde đưa ra ý tưởng này và gây ra một cuộc tranh luận công khai tại châu Âu. ECB đã dự đoán rằng đồng euro kỹ thuật số sẽ chính thức ra mắt vào khoảng năm 2027.
Theo EC, khi tầm quan trọng của tiền mặt đang giảm dần và đe dọa quyền lực của các ngân hàng trung ương vốn đang nỗ lực ngăn chặn các công ty công nghệ lớn (BigTech) nắm quyền kiểm soát tiền tệ, những ngân hàng này phải tìm cách tạo ra các loại tiền kỹ thuật số của riêng mình.
Trong tuyên bố, EC nhấn mạnh đồng euro kỹ thuật số sẽ đem đến nhiều sản phẩm và dịch vụ tài chính sáng tạo hơn cho người tiêu dùng và thúc đẩy cạnh tranh trong lĩnh vực tài chính. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng về gói đề xuất này phụ thuộc vào các quốc gia thành viên EU và Nghị viện châu Âu (EP).
Theo EC, giống như tiền giấy và tiền xu, đồng euro kỹ thuật số cũng sẽ là một phương tiện thanh toán phổ biến trong toàn bộ khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Đấu thầu hợp pháp được đề xuất cho đồng euro kỹ thuật số sẽ đảm bảo loại tiền này được chấp nhận rộng rãi như một phương tiện thanh toán chính thức.
EC cũng dự kiến rằng người dân trong khu vực đồng euro có thể sử dụng miễn phí các dịch vụ cơ bản của đồng euro kỹ thuật số. EC đề xuất các công cụ kinh tế phù hợp với các trung gian tư nhân để mở rộng đồng euro kỹ thuật số giống như các loại tiền kỹ thuật số khác, đồng thời đề xuất ngăn chặn các khoản phí quá cao áp dụng đối với người bán, khi cho phép giao dịch trực tiếp giữa người mua và người bán không cần qua trung gian. Điều này sẽ loại bỏ nhu cầu sử dụng các cổng và trung gian thanh toán truyền thống thường tính phí giao dịch.
Ngoài ra, luật được EC đề xuất còn hỗ trợ bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu người dùng, đồng thời giảm thiểu nguy cơ rửa tiền và tài trợ khủng bố. Đề xuất cũng đảm bảo khả năng thanh toán ngoại tuyến, tức là không cần kết nối Internet, qua đó cho phép tất cả người thanh toán có thể ẩn danh giống như khi thanh toán bằng tiền mặt.
Chủ tịch ECB Christine Lagard cho rằng "đồng euro là biểu tượng hữu hình nhất của sự hội nhập châu Âu, đồng thời nhấn mạnh ngân hàng này "mong muốn hợp tác hơn nữa với các định chế khác của EU về đồng euro kỹ thuật số để đảm bảo tiền tệ của EU phù hợp với kỷ nguyên số hóa".
Giai đoạn đánh giá dự án đồng euro kỹ thuật số sẽ kết thúc vào tháng 10 tới, sau đó Hội đồng quản trị ECB sẽ quyết định có chuyển sang giai đoạn tiếp theo hay không. ECB sẽ tiếp tục phát triển và thử nghiệm các giải pháp kỹ thuật và cơ chế giao dịch. Hội đồng quản trị ECB sẽ chỉ đưa ra quyết định về việc phát hành đồng euro kỹ thuật số sau khi các quy định về luật pháp đã được thông qua.
Tuy nhiên, đề xuất của EC vấp phải chỉ trích của các ngân hàng thương mại cho rằng loại tiền được hỗ trợ như vậy sẽ cạnh tranh với hệ thống thanh toán kỹ thuật số của chính các ngân hàng này và có thể trở thành một giải pháp thay thế tài khoản tiết kiệm. Chẳng hạn, đồng euro kỹ thuật số có thể giúp giảm chi phí liên quan đến quản lý tài khoản tiết kiệm, hoặc có thể cung cấp các giao dịch nhanh chóng mà không phải chờ thanh toán liên ngân hàng.
Giám đốc điều hành Liên minh Ngân hàng châu Âu Wim Mijs nhấn mạnh bên cạnh các tính năng chính của đồng euro kỹ thuật số, điều quan trọng là phải thảo luận sâu rộng hơn về giá trị gia tăng của loại tiền này. Cần giới hạn chắc chắn về số lượng tiền gửi vào giao dịch để ngăn chặn dòng tiền gửi từ các ngân hàng.
Ngoài ra, các chuyên gia lo ngại đồng euro kỹ thuật số sẽ cho phép giám sát quy mô lớn các giao dịch tài chính của các cá nhân và xâm phạm quyền riêng tư của họ, cũng như nguy cơ tấn công mạng và lừa đảo.