Phát biểu với báo giới, người phát ngôn của EC - cơ quan hành pháp của EU, Christian Wigand cho biết trong các bức thư gửi Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Hungary và Thụy Điển vào ngày 22/2, EC đã nhấn mạnh tới nguy cơ "phá vỡ và làm gián đoạn hoạt động di chuyển tự do và chuỗi cung ứng".
EC lo ngại rằng các biện pháp này đã "đi quá xa" so với những khuyến nghị được EU thông qua hồi tháng 10/2020 nhằm đạt được sự cân bằng tương ứng giữa làm giảm tốc độ lây lan của dịch COVID-19 và duy trì hoạt động đi lại nội khối.
EC cho các nước này thời gian cho tới cuối tuần tới để nới lỏng các biện pháp trên. Trong trường hợp các nước không hành động, EC về mặt lý thuyết có thể khởi kiện vì vi phạm luật của EU.
Trong thư, EC cho biết mục tiêu của EU là "duy trì hoạt động của thị trường chung trong giai đoạn kinh tế đầy biến động này, cũng như bảo vệ cuộc sống gia đình vào thời điểm các tiếp xúc xã hội ở bên ngoài bị giảm đáng kể". Theo ông Wigand, EC tin rằng sẽ tìm ra giải pháp với 6 nước trên mà không phải tiến hành các biện pháp pháp lý vốn mất nhiều thời gian.
Trong khi đó, Đức phản đối mạnh mẽ ý kiến cho rằng các biện pháp hạn chế biên giới mà nước này áp đặt đối với vùng Tyrol của Áo, CH Séc và Slovakia là vi phạm quy định của EU.
Phát biểu tại Brussels, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Đức Michael Roth nêu rõ: "Tôi phản đối cáo buộc cho rằng chúng tôi không tuân thủ luật của EU". Ông cho biết Đức đã đưa ra quyết định "khó khăn" trên do lo ngại sự lây lan của biến thể của virus SARS-CoV-2 vì nước này ở vị trí như là một điểm quá cảnh ngay giữa EU.
Theo kế hoạch, các nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận về tình hình dịch COVID-19 trong khối vào ngày 25 và 26/2 tại hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra theo hình thức trực tuyến.