Cùng với cuộc khủng hoảng năng lượng bắt đầu từ những tháng cuối năm 2021, biến thể Omicron xuất hiện gây ra làn sóng dịch bệnh mới vào mùa Đông đã khiến nhiều mục tiêu kinh tế của Đức gặp khó khăn. Căng thẳng liên quan tới tình hình xung đột tại Ukraine không chỉ khiến chương trình nghị sự của chính phủ mà cả chính sách đối ngoại của Đức phải thay đổi.
Có thể nhận thấy, thời điểm “liên minh đèn giao thông” Đỏ - Vàng - Xanh (gồm 3 đảng Dân chủ Xã hội - SPD, Dân chủ Tự do - FDP và đảng Xanh) của Thủ tướng Olaf Scholz nhậm chức - tháng 12/2021 cũng chính là thời điểm giá năng lượng bắt đầu “phi mã”. Tại Đức, giá các loại khí đốt tăng cao kỷ lục, tới gần 500% chỉ trong vài tháng, khiến hóa đơn năng lượng của nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp cũng tăng đột biến.
Trong lúc chưa tìm ra lời giải, cuộc khủng hoảng tại Ukraine lại càng tạo thêm gánh nặng cho ngành năng lượng Đức, đẩy lạm phát của nền kinh tế lớn nhất “lục địa già” vào tình trạng chưa từng có kể từ khi tái thống nhất năm 1990. Theo dự báo của Viện kinh tế IfW, lạm phát của Đức có thể lên tới 5,8% trong năm nay và tăng trưởng kinh tế cũng bị giảm xuống còn 2,1%, thay vì mức 4% dự báo trước đó.
Ngân hàng trung ương Đức (Bundesbank) thậm chí dự báo giá tiêu dùng tăng cao cùng với những khó khăn kinh tế do tác động của làn sóng dịch mới mang tên "biến thể Omicron" có thể đẩy Đức đứng trước nguy cơ suy thoái về mặt kỹ thuật. Theo Bundesbank, với hai quý liên tiếp Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức giảm 0,7% trong quý IV/2021 và có thể lại suy giảm đáng kể trong quý I/2022, suy thoái về kỹ thuật được xác định. Tương tự như vậy, những thách thức trong chuỗi cung ứng tiếp tục kéo dài, gây khó khăn nghiêm trọng cho sản xuất công nghiệp và ảnh hưởn tới hoạt động đầu tư vào quá trình khử cacbon.
Đại dịch COVID-19, được cho là đang dần được kiểm soát trước thời điểm chính phủ của ông Scholz nhậm chức, đã bùng phát trở lại với tốc độ lây nhiễm chưa từng có do sự xuất hiện của biến thể Omicron. Với mức thiệt hại ước tính 350 tỷ USD sau 2 năm đại dịch, các chuyên gia cho rằng ngay cả khi GDP vào cuối năm 2022 đạt được mức trước khủng hoảng, vẫn có một “khoảng cách đáng kể” trong hoạt động kinh tế so với trước khi đại dịch bùng phát.
Về đối ngoại, chưa đầy 100 ngày trên cương vị là người điều hành chính phủ, ông Olaf Scholz, tại phiên họp bất thường của Quốc hội liên bang ngày 27/2, sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, đã công bố những thay đổi trong chính sách đối ngoại. Theo đó, Berlin sẽ bổ sung 100 tỷ euro cho các lực lượng vũ trang Đức với lý do muốn đầu tư nhiều hơn cho an ninh của đất nước. Với mục tiêu phát triển quân đội liên bang "hiệu quả, hiện đại và tiến bộ", Thủ tướng Scholz còn khẳng định từ năm nay, Đức sẽ đặt mục tiêu hằng năm chi trên 2% GDP cho quốc phòng.
Cùng với quyết định trên, chính sách năng lượng và khí hậu cũng được điều chỉnh. Thay vì mục tiêu đến năm 2030, Đức sẽ sử dụng 80% điện từ năng lượng tái tạo, 50% hệ thống sưởi phải ở mức trung hòa với khí thải, loại bỏ hoàn toàn năng lượng hạt nhân và than đá lần lượt vào năm 2022 và 2030, Đức cho phép xây dựng 2 nhà ga khí đốt tự nhiên hóa lỏng và công bố một số biện pháp nhằm giảm sự phụ thuộc của nước này vào khí đốt của Nga. Ngoài việc đình chỉ phê duyệt đường ống dẫn khí Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2), Berlin thông báo xem xét khả năng hoãn kế hoạch loại bỏ dần than đá, khử carbon trong nền kinh tế cũng như đóng cửa các lò phản ứng hạt nhân còn lại.
Đánh giá về 100 ngày cầm quyền đầu tiên của Thủ tướng Olaf Scholz, giới phân tích nhận định mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, căng thẳng Nga - Ukraine là yếu tố chi phối và “đánh dấu bước ngoặt” của Đức trong một số chính sách quan trọng, nhưng không thể phủ nhận đã có những bước tiến nhất định trên mặt trận đối nội. Đúng như cam kết tranh cử, Thủ tướng Olaf Scholz đã triển khai kế hoạch tăng mức lương tối thiểu từ 9,6 lên 12 euro/giờ theo lộ trình. Nhờ chính sách phù hợp, tỷ lệ thất nghiệp tại Đức đã giảm về mức trước đại dịch COVID-19, tỷ lệ người lao động có việc làm cũng tiếp tục duy trì đà tăng ổn định. Song song với nỗ lực giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, việc hiện đại hóa cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và đầu tư vào nhà ở đang được thực hiện.
Về đối ngoại, rõ ràng tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã thể hiện được vai trò của nhà lãnh đạo nền kinh tế lớn nhất châu Âu trong nỗ lực làm trung gian tháo ngòi căng thẳng giữa Nga/Ukraine cũng như Nga/phương Tây qua các chuyến công du con thoi tới Nga, Ukraine, Mỹ, các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo một loạt nước châu Âu. Cách xử lý của Thủ tướng Đức trong vấn đề liên quan tới Nga được cho là nhằm bảo vệ tối đa lợi ích của Đức.
Đối mặt với những thử thách không hề nhỏ, song cách phản ứng và điều chỉnh chính sách của Thủ tướng Scholz đã nhận được sự ủng hộ khá cao của người dân. Có tới 73% số người được hỏi ủng hộ cách xử lý của ông Scholz sau 100 ngày đầu tiên nắm quyền. 47% người Đức coi chính phủ mới là “sự khởi đầu mới thực sự” cho đất nước. Một cuộc khảo sát khác do Allensbach tiến hành cho biết 60% người Đức tin rằng “Liên minh đèn giao thông” sẵn sàng thúc đẩy cải cách và 51% ủng hộ tầm nhìn chiến lược dài hạn của liên minh này.
Được đánh giá là một chính trị gia “thích làm việc ở hậu trường", "thích truyền đạt kết quả chứ không phải giải thích cách thực hiện”, giới phân tích cho rằng ông Scholz đã có những tính toán kỹ lưỡng trước khi đưa ra những quyết sách cuối cùng. Nhiều thách thức mà nước Đức phải đối mặt trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên của Thủ tướng Scholz vẫn chưa thể giải quyết, những vướng mắc mới cũng đang nảy sinh, đòi hỏi chính phủ phải đề ra quyết sách phù hợp. Có lẽ đây cũng là “hành trình thử sức bền” đối với nhà lãnh đạo đang dẫn dắt một liên minh chưa từng tồn tại ở Đức.