Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 12/4, người phát ngôn của Bộ Kinh tế Đức, mặc dù chưa khẳng định kết quả việc đánh giá lại, nhưng cho biết: “Do các điều kiện đã thay đổi, chúng tôi đang xem xét tác động của việc này đối với tình hình hiện nay”.
Trước đó, tháng 10/2022, Chính phủ Đức đã gây tranh cãi khi cho phép "gã khổng lồ" vận tải biển Cosco Shinpping thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc mua tới 24,9% cổ phần trong khu cảng container Tollerort ở Hamburg. Việc "bật đèn xanh" được đưa ra sau khi Thủ tướng Olaf Scholz phản đối các lời kêu gọi cấm hoàn toàn thương vụ gây tranh cãi này.
Tuy nhiên, đầu năm 2023, cảng Tollerort đã được Cơ quan An ninh Thông tin Liên bang (BSI) xếp vào danh sách cơ sở hạ tầng quan trọng của Đức.
Tranh cãi xung quanh quyết định cho phép Cosco mua cổ phần tại cảng container Tollerort đã khiến Thủ tướng Olaf Scholz thuộc đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đứng đầu trong liên minh cầm quyền đối đầu với hai đối tác cấp dưới là đảng Xanh, đảng Dân chủ Tự do (FDP), những người cho rằng Đức cần phải rút ra bài học sau cuộc xung đột Nga – Ukraine (U-crai-na) tác động đến quan hệ cũng như nguồn cung khí đốt mà châu Âu trong đó có Đức vốn phụ thuộc lớn vào Moskva.
Tháng 11/2023, Đức cũng đã chặn việc bán 2 nhà sản xuất chip cho các nhà đầu tư Trung Quốc do lo ngại về an ninh liên quan đến những công nghệ quan trọng. Không những thế, Đức cũng hạn chế bảo lãnh đầu tư cho các công ty của nước này đang làm ăn tại Trung Quốc, khi nền kinh tế lớn nhất châu Âu tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Bắc Kinh.