Đức: Vaccine phòng COVID-19 cho thấy tiềm năng khi thử nghiệm trên người

Một loại vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do công ty công nghệ sinh học của Đức BioNTech và công ty dược phẩm lớn của Mỹ Pfizer phối hợp bào chế đã cho thấy tiềm năng và có thể dung nạp tốt trong giai đoạn đầu thử nghiệm trên người.

Chú thích ảnh
 Nghiên cứu vaccine phòng dịch COVID-19 tại phòng thí nghiệm ở Tuebingen, Đức, ngày 12/3/2020. Ảnh: Reuters/TTXVN

Đây là một trong 17 loại vaccine được thử nghiệm trên người trong cuộc đua tìm vaccine toàn cầu nhằm chấm dứt đại dịch đã làm 10,5 triệu người nhiễm và hơn nửa triệu người tử vong. Và đây là vaccine thứ 4 cho kết quả khả quan khi tiến hành thử nghiệm trên người giai đoạn đầu. Ngoài ra, còn vaccine của các công ty dược phẩm Moderna, CanSino Biologics và Inovio. Vaccine của BioNTech và Pfizer đang được đánh giá là hứa hẹn nhất trong 4 vaccine thử nghiệm dự kiến được tiến hành với 30.000 người khỏe mạnh tại Mỹ và châu Âu cuối tháng 7 này nếu được cơ quan chức năng "bật đèn xanh".

BioNTech cho biết việc thử nghiệm hai liều BNT162b1, tiêm cách nhau 3 tuần, trên 24 tình nguyện viên khỏe mạnh cho thấy sau 28 ngày đã xuất hiện các kháng thể COVID-19 ở mức cao hơn thường thấy trên những người nhiễm bệnh. Công ty cho biết nếu dùng cao hơn 2 liều thì có biểu hiện sốt ngắn ở 3 trong 4 người.

Đồng sáng lập BioNTech, cũng là Giám đốc điều hành (CEO) Ugur Sahin cho biết: "Kết quả thử nghiệm đầu tiên này cho thấy hoạt động miễn dịch của vaccine và tạo ra một phản ứng miễn dịch mạnh". Theo ông, các cuộc thử nghiệm trên diện rộng hơn đang được sẵn sàng, để xem liệu vaccine này có thể bảo vệ con người khỏi lây nhiễm thực sự hay không. BioNTech cho biết các số liệu cho thấy BNT162b1 có thể được dung nạp tốt và chỉ có một số tác dụng phụ tạm thời.

Đến nay, chưa có vaccine nào được phê chuẩn sử dụng thương mại. Ngành dược phẩm đang rất mong chờ các cuộc thử nghiệm rộng rãi hơn tiếp theo. Nếu được phê chuẩn, BioNTech và Pfizer dự định sản xuất 100 triệu liều vào cuối năm 2020 và thêm 1,2 tỷ liều đến cuối năm 2021 tại nhiều nhà máy ở Đức và Mỹ.

Kết quả của 3 loại vaccine tiềm năng khác đang trong giai đoạn thử nghiệm ban đầu của BioNTech vẫn chưa được công bố.

* Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, Giáo sư vaccine học Sarah Gilbert, một nhà khoa học hàng đầu, người phụ trách nghiên cứu vaccine tiềm năng phòng COVID-19 của Đại học Oxford của Anh, cho biết nhóm nghiên cứu của bà đã quan sát thấy một số phản ứng miễn dịch trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III.

Phát biểu tại quốc hội, bà Gilbert cho biết cuộc thử nghiệm đã được tiến hành với 8.000 tình nguyện viên trong giai đoạn III. Vaccine AZD1222 đã được cấp phép cho công ty AstraZeneca. Tuy nhiên, bà cho biết chưa thể nói chính xác khi nào vaccine này sẵn sàng, vì điều đó tùy thuộc vào kết quả thử nghiệm.   

Bích Liên (TTXVN)
Ấn Độ cho phép thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 ở người 
Ấn Độ cho phép thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 ở người 

Cơ quan chức năng Ấn Độ đã cho phép công ty Bharat Biotech tiến hành thử nghiệm ở người vaccine tiềm năng ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Đây là vaccine tiềm năng đầu tiên của Ấn Độ được chính phủ nước này cho phép thử nghiệm ở người. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN