Hãng thông tấn Interfax của Ukraine đưa tin phát biểu với báo giới sau hội đàm, Ngoại trưởng Kuleba khẳng định hiện các nhà ngoại giao đang chuẩn bị cho hội nghị các cố vấn Nhóm Normandy, gồm các nước Ukraine, Nga, Đức và Pháp, dự kiến diễn ra tại Berlin. Theo ông, việc chuẩn bị cho hội nghị ở Berlin là không dễ dàng, nhưng các bên muốn đảm bảo ít nhất sau hội nghị, tiến trình đàm phán cấp cố vấn trong khuôn khổ Normandy vẫn tiếp diễn.
Về phần mình, Ngoại trưởng Đức Baerbock khẳng định thực tế tiến trình thương thảo theo cơ chế Normandy ở cấp cố vấn tiếp diễn là một “thành công”, dù không cho biết thêm chi tiết. Theo phóng viên TTXVN tại Đức, bà Baerbock cũng nhấn mạnh Ukraine có thể tin tưởng vào sự hỗ trợ của Đức.
Về việc Nga triển khai quân ở khu vực gần biên giới với Ukraine, Ngoại trưởng Baerbock đã bác bỏ những đồn đoán về hành động tiếp theo của Moskva, dù cho biết một số biện pháp trừng phạt đã được chuẩn bị và được tất cả các đối tác tại Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đồng ý. Đức và các đối tác đã chuẩn bị cho những "kịch bản khác nhau" và "sẵn sàng trả một mức giá cao về kinh tế cho an ninh của Ukraine".
Theo kế hoạch, cố vấn của các nhà lãnh đạo Ukraine, Nga, Đức và Pháp sẽ nhóm họp vào ngày 10/2 tại Berlin. Trước đó ngày 26/1, họ đã nhóm họp ở Paris (Pháp) và nhất trí ra một tuyên bố chung đầu tiên kể từ tháng 12/2019.
Dự kiến ngày 8/2 Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng sẽ tới Kiev để hội đàm với người đồng cấp chủ nhà Volodymyr Zelensky. Trước đó, Tổng thống Macron cũng đã có cuộc gặp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin ở Moskva.
Phát biểu sau cuộc gặp với Tổng thống Pháp, Tổng thống Putin khẳng định Moskva sẽ làm hết khả năng để tìm kiếm thỏa hiệp phù hợp cho tất cả các bên liên quan trong cuộc khủng hoảng hiện nay. Ông khẳng định rằng sẽ không có “người chiến thắng” nào khi các nước châu Âu bị cuốn vào một cuộc xung đột quân sự với Nga. Tổng thống Putin cũng nhấn mạnh Nga sẽ tiếp tục tìm kiếm câu trả lời từ phương Tây đối với những đòi hỏi an ninh của Moskva, mặc dù ông cáo buộc Mỹ và NATO đã “phớt lờ” những yêu sách này trong văn bản phúc đáp chính thức được chuyển cho Nga hồi tháng trước.
Cũng trong ngày 7/2, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định London sẵn sàng áp đặt các lệnh trừng phạt và nhiều biện pháp khác trong trường hợp Nga tấn công Ukraine. Chính phủ Anh sẽ yêu cầu quốc hội trừng phạt các cá nhân và doanh nghiệp Nga.
Trong bài viết được đăng tải trên tờ The Times số ra ngày 7/2, Thủ tướng Johnson cũng cho biết Anh đang xem xét triển khai máy bay chiến đấu Typhoon và tàu chiến tới bảo vệ khu vực Tây Nam châu Âu. Nước này cũng đang chuẩn bị củng cố nhóm chiến đấu của NATO tại Estonia.
Trong khi đó, ngày 7/2, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã điện đàm về tình hình khu vực hiện nay.
Thông báo của Phủ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết cuộc điện đàm diễn ra trong bối cảnh Ankara trong nỗ lực làm trung gian tháo gỡ căng thẳng giữa Kiev và Moskva. Tổng thống Erdogan nhấn mạnh cuộc khủng hoảng này cần được giải quyết bằng các biện pháp ngoại giao và hòa bình dựa trên sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và luật pháp quốc tế trong khuôn khổ Hiệp định Minsk. Ankara sẵn sàng đóng vai trò nước chủ nhà cho một hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo hoặc tiến trình đàm phán cấp kỹ thuật.
Quan hệ Nga và phương Tây đã leo thang căng thẳng trong thời gian gần đây khi Mỹ và NATO cho rằng có khả năng Nga triển khai hành động quân sự đối với Ukraine. Tuy nhiên, phía Moskva luôn bác bỏ và khẳng định những cáo buộc trên là động thái làm leo thang căng thẳng vô căn cứ, đồng thời nhấn mạnh Nga không gây đe dọa cho bất cứ quốc gia nào. Moskva cũng cáo buộc NATO vẫn đang tìm cách mở rộng về phía Đông và đưa vũ khí vào lãnh thổ Ukraine, đe dọa trực tiếp đến an ninh của Nga.