Đức tuyên bố kiểm soát thành công tốc độ lây nhiễm của dịch COVID-19

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Bộ trưởng Y tế Liên bang Đức Jens Spahn ngày 17/4 cho biết sau 4 tuần áp dụng các biện pháp ứng phó, đến nay, Đức đã có thể kiểm soát tốc độ lây lan dịch bệnh viêm đường hô hấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra.

Chú thích ảnh
 Các nhà hàng đóng cửa do dịch COVID-19 tại Leipzig, Đức ngày 4/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Phát biểu trước báo giới tại Berlin, Bộ trưởng Spahn khẳng định việc áp dụng biện pháp hạn chế người dân ra ngoài từ giữa tháng 3 đã  phát huy tác dụng. Số ca nhiễm virus giảm đáng kể, đặc biệt thể hiện rõ trong tốc độ giảm số ca nhiễm mới ghi nhận từng ngày. Số ca điều trị khỏi mỗi ngày hiện đã cao hơn số ca được xác nhận nhiễm mới. Bên cạnh đó, nhờ kiểm soát được dịch bệnh nên hệ thống y tế của Đức không bị quá tải, do đó khoảng 10.000 giường điều trị tích cực sẽ được sử dụng để phục vụ các ca phẫu thuật vốn bị hoãn lại trước đó để ưu tiên ứng phó với dịch bệnh.

Bộ trưởng Spahn cho biết đến nay, Đức đã thực hiện hơn 1,7 triệu xét nghiệm virus, tương đương khoảng 350.000 xét nghiệm tuần và nếu cần có thể tăng lên 700.000 xét nghiệm/tuần. Về vấn đề khan hiếm khẩu trang y tế, ông Spahn cho biết tình hình đã được cải thiện khi tuần trước, 80 triệu khẩu trang đã được chuyển đến Đức và đang được phân phối tới các địa điểm cần thiết.

Theo ông Spahn, các công ty của nước này cũng sẽ có thể sản xuất hàng chục triệu khẩu trang mỗi tuần từ tháng 8 tới, trong đó có 10 triệu chiếc đáp ứng tiêu chuẩn FFP2 và 40 triệu khẩu trang y tế. Ngoài ra, trong khoảng 3 đến 4 tuần tới, một ứng dụng trên điện thoại di động để theo dấu tiếp xúc người dùng cũng sẽ được triển khai để hỗ trợ công tác kiểm soát dịch bệnh sau khi các biện pháp hạn chế được nới lỏng.

Phát biểu tại cuộc họp báo trên, Chủ tịch Viện dịch tễ RKI Lothar Wieler  đánh giá cao thành quả kiềm chế thành công sự lây lan của virus khi tốc độ lây nhiễm hằng ngày đã chậm lại và hiện ở mức 0,7%, có nghĩa 1 người bệnh không còn có thể lây nhiễm tương ứng cho 1 người khác mà là dưới 1 người. Tuy nhiên, ông cũng giải thích tỷ lệ bệnh nhân tử vong cao hơn 2%, đặc biệt trong tuần này, là do 2,5% số bệnh nhân có bệnh lý nền, ngoài ra nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bệnh rất nặng.

Cũng tại cuộc họp báo, Tiến sĩ Karrl Broich thuộc Viện Dược phẩm và Thiết bị y tế cho biết Đức đang thử nghiệm lâm sàng một số phương pháp điều trị tiềm năng. Kết quả đầu tiên sẽ có trong 3 tháng tới sau đó sẽ xin cấp phép từ phía châu Âu. Ông cũng cho biết việc phát triển vaccine vẫn cần thêm thời gian, đồng thời tin tưởng Đức sẽ sớm phát triển được vaccine chống SARS-CoV-2.

Những thông tin tích cực kể trên được đưa ra trong bối cảnh Đức chuẩn bị nới lỏng các biện pháp hạn chế. Hôm 15/4, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố các cửa hàng nhỏ có thể mở cửa trở lại từ tuần tới và các trường học cũng sẽ nối lại lịch trình từ ngày 4/5 nhưng vẫn duy trì hạn chế với những hoạt động còn lại như cấm tụ tập quá hai người nơi công cộng, cấm các sự kiện cộng đồng lớn.

Hiện Đức có số ca nhiễm bệnh cao thứ 5 thế giới, sau Mỹ, Tây Ban Nha, Italy và Pháp nhưng nhờ các biện pháp xét nghiệm sớm trên diện rộng, quốc gia này đã hạn chế được số ca tử vong ở mức hơn 3.800 ca.

Mạnh Hùng (TTXVN)
Mỹ có thể học gì từ Đức trong xử lý khủng hoảng COVID-19?
Mỹ có thể học gì từ Đức trong xử lý khủng hoảng COVID-19?

Giống nhau cách phân chia quản lý giữa chính quyền liên bang và cấp bang nhưng cách xử lý khủng hoảng COVID-19 của Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Donald Trump lại không giống nhau.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN