Đức trục xuất bốn nhà ngoại giao Xyri

AL muốn đưa quan sát viên trở lại Xyri

Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle ngày 9/2 tuyên bố Đức sẽ trục xuất bốn nhà ngoại giao Xyri khỏi Đại sứ quán nước này tại Béclin sau vụ bắt giữ hai nghi can làm gián điệp cho chính quyền Đamát.

Khói bốc lên trước một nhà thờ ở Baba Amro trong cuộc đụng độ giữa các lực lượng ở Xyri ngày 8/2.

Ngoại trưởng Westerwelle cho biết sau vụ bắt giữ hai đối tượng tình nghi làm gián điệp cho Xyri, Bộ Ngoại giao nước này đã quyết định trục xuất bốn nhân viên Đại sứ quán Xyri tại Béclin. Đại sứ Xyri đã được thông báo về quyết định này. Hai đối tượng tình nghi nói trên là Mahmoud El A., 47 tuổi, mang hai quốc tịch Đức và Libăng và Akram O., 34 tuổi, mang quốc tịch Xyri. Hai người này bị bắt tại Béclin hôm 7/2. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Đức nêu rõ: "Quan điểm của chính phủ liên bang là rất rõ ràng. Đó là không tha thứ cho bất kỳ hành động nào chống lực lượng đối lập Xyri tại Đức".

Trong một diễn biến khác, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ngày 9/2 cho biết, Liên đoàn Arập (AL) muốn đưa phái bộ quan sát viên trở lại Xyri - nơi cuộc khủng hoảng chính trị đã bước sang tháng thứ 11.

Phát biểu với phóng viên sau một cuộc họp kín với Hội đồng bảo an, ông Ban Ki-moon nói rằng Tổng Thư ký AL Nabil al-Arabi đã thông báo quyết định trên trong một cuộc điện đàm ngày 7/2. Trong cuộc điện đàm, người đứng đầu Liên hợp quốc và AL đã bàn bạc về cách chấm dứt tình trạng bạo lực và bắt đầu tiến trình đàm phán chính trị tại Xyri. Ông Arabi cũng đã đề nghị Liên hợp quốc hỗ trợ và đề xuất rằng hai tổ chức nên thành lập một phái bộ quan sát viên chung, trong đó có một đặc phái viên chung về vấn đề Xyri.

Sau khi ông Ban Ki-moon thông báo về thông tin trên, nhiều thành viên Hội đồng bảo an đã bày tỏ quan điểm của mình. Trong những ngày tới, Hội đồng bảo an sẽ tiếp tục tham vấn thêm trước khi đưa ra những thông tin cụ thể. Ông Ban Ki-moon khẳng định: "Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ dưới bất kỳ hình thức nào có thể giúp tình hình tại Xyri và tình hình nói chung khả quan hơn". Cũng trong cuộc họp này, ông Ban Ki-moon một lần nữa nhắc lại rằng ông thực sự tiếc vì Hội đồng bảo an không thể có tiếng nói chung để ngăn chặn bạo lực ở Xyri sau khi Nga và Trung Quốc phủ quyết nghị quyết lên án Xyri. AL đã ngừng hoạt động của phái bộ quan sát viên ở Xyri hôm 28/1 do bạo lực leo thang. Ngày 6/2 vừa qua, ông Arabi trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters ở Cairô (Ai Cập) cho rằng AL có thể cử phái bộ quan sát viên mới nhưng dưới tên gọi khác và với nhiều thành viên hơn.

Trong khi đó, tình hình an ninh tại Xyri tiếp tục diễn biến xấu khi các cuộc đụng độ giữa các lực lượng ở nước này ngày một gia tăng. Chỉ tính riêng trong ngày 9/2, các vụ oanh kích và bắn rốckét do các lực lượng Xyri tiến hành tại một số quận của thành phố Homs, trung tâm của phong trào phản đối Tổng thống Bashar al-Assad đã khiến ít nhất 29 người thiệt mạng. Nguồn tin từ các nhà hoạt động và lực lượng đối lập còn cho biết các vụ oanh kích tập trung vào các quận Baba Amro, Inshaat, Khalidiya, al-Bayyada và Jouret al-Shayyah. Tuần trước, hàng trăm người đã thiệt mạng trong vụ tấn công dữ dội nhất vào Homs kể từ khi phong trào nổi dậy chống chính quyền của Tổng thống Assad nổ ra hồi tháng 3/2011.

Thùy Dương - TTG


 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN