Người di cư chờ làm thủ tục đăng ký cư trú tại Berlin, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN
Chương trình này được thiết kế cho những người tị nạn đặc biệt cần được bảo vệ, chẳng hạn như trẻ em, nạn nhân bị tra tấn hoặc những người rất cần được điều trị y tế, những người không thể ở lại quốc gia đầu tiên họ đến.
Người phát ngôn của Cơ quan Tị nạn Liên Hợp Quốc (UNHCR) tại Đức, Chris Melzer, cho biết chương trình đã bị dừng “trong quá trình đàm phán liên minh” đang diễn ra giữa Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo bảo thủ (CDU/CSU) và đảng Dân chủ Xã hội trung tả (SPD) đồng thời nhận định “chương trình sẽ tiếp tục” ngay khi Đức có Bộ trưởng Nội vụ mới.
Berlin đã tham gia chương trình này từ năm 2012, tiếp nhận những người tị nạn đặc biệt dễ bị tổn thương từ các quốc gia khác và cấp cho họ giấy phép cư trú có thời hạn ba năm. Với mức tiếp nhận trung bình 5.000 người mỗi năm, Đức đã tiếp nhận nhóm người lớn thứ ba sau Mỹ và Canada.
Hơn một nửa số người tị nạn sử dụng chương trình này đến từ Syria, nhưng cũng có những người xin tị nạn từ Iraq, Yemen, Sudan, Nam Sudan, Cộng hòa Dân chủ Congo, Somalia và Eritrea.
Đức từng cam kết với Ủy ban châu Âu (EC) sẽ tiếp nhận 6.550 lượt người tị nạn mỗi năm trong năm 2024 và 2025, và đã nhận được một số khoản tài trợ của Liên minh châu Âu (EU).
Thủ tướng tương lai của Đức, Friedrich Merz (thuộc đảng Dân chủ Cơ đốc giáo - CDU), đã đưa nhập cư thành một trong những chủ đề chính trong chiến dịch tranh cử của mình trước thềm cuộc bầu cử liên bang của Đức hồi tháng Hai.
Trong khi liên minh mới dự kiến sẽ khởi động lại chương trình tái định cư người tị nạn của LHQ, bản dự thảo thỏa thuận ban đầu về thành lập chính phủ liên minh chỉ ra rằng, họ sẽ đóng cửa hầu hết các chương trình tương tự khác. Các chương trình mới, tập trung nhiều hơn vào nhu cầu thị trường lao động của Đức, dự kiến sẽ thay thế các chương trình cũ.