Chủ tịch SPD Martin Schulz. Ảnh: AFP/TTXVN |
Cũng tại đại hội, ông Martin Schulz đã tái đắc cử vị trí Chủ tịch SPD với số phiếu ủng hộ đạt 81,94 %. Tuy nhiên, kết quả này thấp hơn so với cuộc bỏ phiếu hồi tháng 3 năm nay với 100% số phiếu ủng hộ và được đánh giá là hệ quả từ thất bại của SPD trong cuộc bầu cử Quốc hội liên bang Đức vào ngày 24/9 khi SPD chỉ nhận được 20,5% số phiếu ủng hộ của cử tri.
Phát biểu trước 600 thành viên của SPD tại thủ đô Berlin, ông Martin Schulz kêu gọi đàm phán liên minh với CDU/CSU và hứa hẹn sẽ yêu cầu Chính phủ mới hợp tác chặt chẽ với Chính phủ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong việc cải cách Liên minh Châu Âu (EU) và liên minh tiền tệ, bao gồm việc tăng đầu tư và sẽ có Bộ trưởng tài chính, ngân sách chung của khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone).
Sự thống nhất của SPD về phương án đàm phán với liên đảng CDU/CSU được giới quan sát Đức đánh giá rằng, đảng này "nhận thức được trách nhiệm đối với đất nước" và "không thờ ơ" với việc thành lập một chính phủ mới và đưa ra cam kết chính phủ mới phải thúc đẩy "sự đổi mới cơ bản của châu Âu". Theo giới truyền thông Đức, việc ông Martin Schulz tái đắc cử vị trí Chủ tịch SPD là dấu hiệu đáng mừng đối với chính trường Đức, nhất là trong bối cảnh cử tri Đức đang đợi câu trả lời từ phía SPD trong việc hình thành đại liên minh với CDU/CSU nhằm thành lập chính phủ ổn định.
Theo dự kiến, đầu tuần tới Chủ tịch SPD sẽ có buổi làm việc với Thủ tướng Merkel (CDU) và nhà lãnh đạo CSU Horst Seehofer. Sau đó, vào ngày 15/12, ủy ban điều hành SPD sẽ quyết định việc liệu đảng này có bắt đầu các cuộc đàm phán với liên đảng bảo thủ CDU/CSU hay không và các cuộc đàm phán chính thức sẽ bắt đầu vào đầu tháng 1/2018.
Trước đó ngày 6/12, Chủ tịch SPD đã tuyên bố, SPD sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để đảm bảo rằng Berlin đón nhận các ý tưởng cải cách châu Âu của Tổng thống Pháp Macron. Ông Schulz cũng gián tiếp chỉ trích Thủ tướng Merkel vì không đồng thuận với các ý tưởng của Tổng thống Pháp, trong đó bao gồm các vấn đề thúc đẩy hợp tác quốc phòng, di cư và hội nhập sâu hơn của Eurozone. Ông Schulz nhấn mạnh Pháp đang đưa ra các đề xuất trên và việc Đức không tham gia là điều không thể chấp nhận được. Tuyên bố của Chủ tịch SPD đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Pháp đang muốn thúc đẩy cải cách EU, tuy nhiên chính phủ bảo thủ của bà Merkel lại tỏ ra "thờ ơ" với đề xuất này vì lo ngại nền kinh tế của EU sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.