Phóng viên TTXVN tại Đức dẫn lời bà Merkel nêu rõ châu Âu cần một chính sách an ninh và quốc phòng riêng nhằm đảm bảo chủ quyền của châu lục. Để có được điều đó, châu Âu cần tập trung vào Chiến lược tăng cường khả năng hành động (do Đức khởi xướng) và các biện pháp sẽ được thực hiện trong khuôn khổ NATO.
Trong cuộc thảo luận, hai nhà Đức và Pháp cam kết sẽ củng cố khả năng hành động của EU vì nền tảng an ninh chung của khối, trong đó có việc đẩy mạnh các dự án mua sắm máy bay không người lái Eurodrone, máy bay tiêm kích thế hệ mới thuộc Hệ thống không chiến tương lai (FCAS), xe tăng chiến đấu thuộc Hệ thống tác chiến chủ lực trên bộ (MGCS) và hiện đại hóa máy bay trực thăng Tiger. Ngoài Đức và Pháp, những nước châu Âu khác cũng có thể tham gia các dự án có tầm quan trọng chiến lược này.
Liên quan đến vấn đề vaccine ngừa COVID-19, Thủ tướng Merkel và Tổng thống Macron ủng hộ chiến lược EU đặt mua vaccine chung, đồng thời nhấn mạnh việc sản xuất vaccine không diễn ra trong “một sớm, một chiều". Thủ tướng Merkel cho biết mặc dù EU đã đặt mua số lượng vaccine nhiều hơn quy mô dân số của khối là 450 triệu người, song tình trạng khan hiếm vaccine hiện nay cho thấy EU cần phải tăng cường năng lực sản xuất dược phẩm. Hiện EU và các công ty đang nỗ lực đẩy nhanh tối đa quy trình sản xuất vaccine để đáp ứng nhu cầu và có thể tiến hành chiến dịch tiêm chủng trong những tháng tới.
Cũng trong cuộc thảo luận, hai nhà lãnh đạo Đức và Pháp đã đề cập đến quan hệ với Mỹ trong bối cảnh tân Tổng thống Biden đã có những động thái khôi phục quan hệ chặt chẽ xuyên Đại Tây Dương. Bên cạnh đó, hai bên cũng thảo luận các vấn đề liên quan tới Nga, trong đó có dự án Dòng chảy phương Bắc 2, việc bảo lưu quyền tiếp tục trừng phạt Moskva và quyết định mới nhất của Nga trục xuất một số nhà ngoại giao của Đức, Ba Lan và Thụy Điển. Cả Thủ tướng Merkel và Tổng thống Macron đều lên án hành động trục xuất của Nga. Trong khi đó, Bộ ngoại giao 3 nước có nhân viên ngoại giao bị trục xuất đã triệu Đại sứ Nga tới để nêu rõ quan điểm về vụ việc.