Tờ Financial Times (FT) ngày 26/6 đưa tin, chính phủ Đức đã lên tiếng phản đối kế hoạch của Liên minh châu Âu (EU) sử dụng tài sản bị phong tỏa của Ngân hàng Trung ương Nga để tái thiết Ukraine, đồng thời cảnh báo về những rủi ro pháp lý và tài chính có thể phát sinh từ động thái như vậy.
Ủy ban châu Âu (EC) đang thực hiện kế hoạch huy động hàng tỷ euro bằng cách yêu cầu các tổ chức tài chính nắm giữ tài sản của Nga phải chuyển giao một số lợi nhuận tạo ra từ số tài sản này. Tuy nhiên, nhiều nhà lập pháp trong khối đã chỉ ra rằng hệ thống pháp luật EU chỉ cho phép “đóng băng” tài sản chứ không được sung công.
Theo FT, các quan chức cấp cao của chính phủ Đức bày tỏ nghi ngờ về khả năng kế hoạch của EU có thể giành được sự ủng hộ đầy đủ do những rủi ro pháp lý.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Đức cho biết Moskva "sẽ phải trả giá cho những thiệt hại mà họ đã gây ra ở Ukraine", đồng thời khẳng định Berlin đang làm "mọi thứ hợp pháp có thể" để xác định vị trí và phong tỏa tài sản của các cá nhân và công ty Nga bị trừng phạt. Tuy nhiên, quan chức này lưu ý rằng ý tưởng sử dụng tiền của Nga để tái thiết Ukraine đã đặt ra "những câu hỏi phức tạp về tài chính và pháp lý".
Một quan chức Đức khác cảnh báo nếu EU lấy tiền từ Ngân hàng Trung ương Nga hoặc thu lợi nhuận từ việc đầu tư nguồn tài chính này thì có thể sẽ tạo tiền lệ cho các nước khác theo đuổi, chẳng hạn như Ba Lan, với các yêu cầu bồi thường liên quan tới Thế chiến 2 chống lại Berlin.
FT dẫn lời một quan chức cho biết Bộ trưởng Tư pháp Đức Marco Buschmann đã nghiên cứu các đề xuất của EU về việc tịch thu tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga và kết luận rằng chúng không khả thi về mặt pháp lý.
Tại một cuộc họp với Ủy ban châu Âu vào tuần trước, một số nhà ngoại giao cũng đã kêu gọi thận trọng về đề xuất này.
EU và các đồng minh đã “đóng băng” hàng trăm tỷ euro tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga như một phần của chính sách trừng phạt. Nhiều nước cho đến nay đã từ chối lời kêu gọi tịch thu tài sản hoàn toàn và thay vào đó tìm cách thu về một số lợi nhuận cho Kiev.
Theo đó, một lựa chọn là các trung tâm lưu ký chứng khoán được yêu cầu đóng góp những khoản thu được lợi nhuận khi họ tái đầu tư số tiền thu được từ các tài sản bị đóng băng của Nga.
Kiev tin rằng EU có thể huy động 3 tỷ euro mỗi năm từ tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga. Theo một quan chức cấp cao của Ukraine, họ cũng đang xem xét một kế hoạch thay thế, theo đó ủy ban có thể sử dụng tài sản bị phong tỏa của Nga làm tài sản thế chấp để họ có thể vay vốn để đầu tư thu lợi nhuận.
Các bộ trưởng ngoại giao từ khối 27 quốc gia dự kiến sẽ thảo luận về vấn đề này tại một cuộc họp ở Luxembourg.
Moskva đã nhiều lần lên án việc EU tịch thu tài sản của mình là hành vi “đánh cắp”. Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mô tả biện pháp này là “hành động lỗi thời”.