Hãng tin RT (Nga) cho biết Không quân Đức đã lần đầu tiên triển khai một phi đội tới Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, với chặng dừng chân đầu tiên là Singapore, và sau đó sẽ tham gia một loạt cuộc tập trận với các đối tác Australia.
Theo nguồn tin này, Không quân Đức đã điều 6 chiến đấu cơ Eurofighter, 4 máy bay đa nhiệm A400M, 3 máy bay tiếp liệu A330 từ Căn cứ Không Neuburg hôm 15/8, thực hiện hành trình dài 10.000km tới Singapore trong 24h chỉ với một chặng dừng nghỉ duy nhất ở Abu Dhabi để đổi phi công.
Trung tướng Ingo Gerhartz, Tham mưu trưởng Không quân Đức, viết trên trang Twitter chính thức: “Chúng tôi muốn chứng tỏ rằng các lực lượng Đức có thể triển khai tới châu Á trong vòng chỉ một ngày… Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có tầm quan trọng to lớn đối với Đức. Chúng tôi chia sẻ các giá trị chung với nhiều đối tác ở khu vực này”.
Vẽ trên thân hình ảnh mang tính biểu tượng là các lá quốc kỳ của Đức, Singapore, Australia, Hàn Quốc và Nhật Bản, những chiếc chiến đấu cơ Eurofighter và máy bay khác sau đó sẽ tới vùng lãnh thổ Darwin (Australia) để tham gia cuộc tập trận “Pitch Black” kéo dài từ ngày 19/8-9/9. Trong thời gian này, các máy bay chiến đấu của Đức sẽ thực hành các kỹ thuật không đối không, không đối đất và bay đội hành phối hợp với các máy bay đồng minh.
Kết thúc cuộc tập trận “Pitch Black”, các chiến đấu cơ của Không quân Đức tiếp tục tham gia cuộc tập trận “Kakadu” cùng với Hải quân Hoàng gia Australia từ ngày 12-26/9. Nội dung chính của cuộc tập trận này là bảo vệ các tài sản trên biển.
Ngoài ra, phi đội máy bay của Không quân Đức còn có kế hoạch diễn tập chung với Không quân Singapore và thực hiện các chuyến thăm tới Hàn Quốc, Nhật Bản.
Giống như Mỹ và các đồng minh phương Tây khác, Đức khẳng định rằng nước này có những lợi ích sống còn ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cảnh báo rằng sự suy yếu của các tuyến hàng hải trong khu vực có thể gây ra "những hệ quả nghiêm trọng" đối với sự thịnh vượng của nước này.
Dù sự hiện diện quân sự của Đức ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương còn kém xa Mỹ, quốc gia thường xuyên điều tàu chiến đi qua các vùng biển có tranh chấp ở Biển Đông và các nơi khác trong khu vực này, Berlin cũng đánh giá các cường quốc hạt nhân ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, như Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan, là những mối đe dọa an ninh tiềm tàng.
Trước đây, vào tháng 12/2021, tàu hộ vệ Bayern của quân đội Đức cũng từng thực hiện một hải trình ở Biển Đông, trở thành tàu chiến đầu tiên của Đức đi vào vùng biển này sau gần 20 năm. Chính phủ Đức khẳng định hoạt động của tàu Bayern nhằm nhấn mạnh quan điểm của Berlin về việc không chấp nhận các tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông. Các nước Anh, Pháp, Nhật Bản, Australia và New Zealand cũng đang tăng cường hoạt động ở Thái Bình Dương để kiềm chế các hành động phi pháp trên ở vùng biển này.