Đây rõ là một tuyên bố đi ngược với quan điểm của Washington về vấn đề này và có thể sẽ khiến nhà lãnh đạo đồng minh Donald Trump không hài lòng.
“Chính phủ tuyên bố cách tiếp cận của chúng tôi không đơn giản loại bỏ một công ty hay một nhân tố, mà thay vào đó chúng tôi đề ra những yêu cầu đối với các đơn vị cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ 5G. Chúng tôi sẽ thảo luận với các đối tác, vì họ cũng có ý kiến của riêng họ”, Thủ tướng Merkel phát biểu tại Hội nghị Giải pháp Toàn cầu thường niên tổ chức tại Berlin hôm 19/3. Bình luận của Thủ tướng Merkle được đưa ra một tuần sau khi bà tuyên bố Đức sẽ tự thiết lập tiêu chuẩn bảo mật riêng cho mạng di động 5G mới.
Trong một vài tháng trở lại đây, Washington liên tục gây sức ép đối với các đồng minh, ngăn không cho họ hợp tác với tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei. Trong trường hợp của Đức, Đại sứ Mỹ quốc gia châu Âu này Richard Grenell đã gửi một bức thư tới Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier, cảnh báo lo ngại an ninh có mối liên hệ với vai trò của Huawei trong việc xây dựng các cơ sở hạ tầng trọng điểm.
Lá thư của Đại sứ Grenell còn đe dọa nếu Berlin phớt lờ cảnh báo của Washington, hành động đó có thể dẫn đến hậu quả là Mỹ sẽ hạ cấp hoạt động chia sẻ thông tin tình báo với Đức. Berlin lên tiếng phản đối yêu cầu của Mỹ, nhấn mạnh rằng Washington không cung cấp bất kỳ bằng chứng nào cho thấy các sản phẩm của Trung Quốc sẽ gây ra mối đe dọa an ninh.
Cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder cho rằng bức thư của Đại sứ Grenell như một vụ “tống tiền trắng trợn”.
“Gã khổng lồ” sản xuất điện tử Trung Quốc đã có những phản ứng khi Washington liên tục thực hiện các hành động đẩy công ty ra khỏi thị trường quốc tế. Đầu tháng 3, Huawei tuyên họ đang đệ đơn kiện Chính phủ Mỹ về quyết định cấm các cơ quan liên bang sử dụng sản phẩm của mình.