Phát biểu với báo giới khi tới Brussels (Bỉ) tham dự Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU), Thủ tướng Scholz kêu gọi châu Âu cần đẩy mạnh nỗ lực tìm kiếm các phương án nhập khẩu thay thế. Ông nói: "Tất cả chúng tôi đã cùng nhau chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho những thách thức khó khăn liên quan tới việc nhập khẩu nguồn tài nguyên hoá thạch của Nga". Do vậy, theo nhà lãnh đạo Đức, châu Âu cần phải quan tâm sớm tới hệ thống cơ sở hạ tầng có thể nhập khí đốt từ những nước khác, ám chỉ các trạm khí tự nhiên hoá lỏng đã được quy hoạch ở Đức.
Thủ tướng Đức cho rằng tình hình kinh tế không chỉ liên quan đến xung đột ở Ukraine, mà còn cả những bất ổn sau đại dịch COVID-19. Theo ông, mục đích hiện tại là đảm bảo có thể nhanh chóng vận hành nền kinh tế theo cách trung hòa với khí hậu, mở rộng nguồn năng lượng tái tạo, phát triển cơ cấu kinh tế và nhanh chóng đạt được sự ổn định kinh tế không phát thải.
Cũng phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cho rằng các nước EU cần bắt đầu cùng nhau thu mua năng lượng và đưa ra mức trần giá khí đốt để ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng tiềm ẩn vào mùa Đông tới đây.
Cuộc khủng hoảng khí đốt và các hậu quả về kinh tế do xung đột tại Ukraine đã chi phối ngày họp thứ hai của Hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels. Các nhà lãnh đạo EU đã gặp người đứng đầu Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), bà Christine Lagarde, với sự tham dự của Bộ trưởng Tài chính Ireland Paschal Donohoe, người hiện là Chủ tịch nhóm Bộ trưởng Tài chính các quốc gia thành viên khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup). Ngoài các vấn đề trên, các nước EU cũng muốn chính thức cho phép Croatia gia nhập khu vực sử dụng đồng euro vào tháng 1/2023. Trước đó ngày 23/6, các nước EU đã đồng ý trao quy chế ứng cử viên gia nhập EU cho Ukraine và Moldova.