Theo phóng viên TTXVN tại Đức, một số điểm chính trong nghị quyết được thông qua sau hội nghị bao gồm: Kéo dài lệnh phong tỏa cho tới ngày 7/3; việc mở lại các trường học và nhà trẻ sẽ do các bang tự quyết định theo thẩm quyền; các tiệm cắt tóc có thể hoạt động trở lại từ ngày 1/3 với điều kiện giữ vệ sinh dịch tễ, kiểm soát lượng khách ra vào và khách đến phải đặt hẹn trước và đeo khẩu trang y tế; nới lỏng hơn nữa các biện pháp hạn chế nếu tỷ lệ lây nhiễm giảm xuống dưới 35 ca trong 7 ngày/100.000 dân, trong đó sẽ mở lại các cửa hàng bán lẻ với điều kiện đảm bảo 20 m2 cho mỗi khách vào mua hàng, mở lại viện bảo tàng, triển lãm cũng như các dịch vụ phải tiếp xúc gần. Với các cuộc gặp gỡ, Chính phủ liên bang và các bang vẫn nhất trí giữ nguyên quy định hiện hành, theo đó chỉ cho phép các thành viên trong hộ gia đình gặp gỡ một người ngoài. Ngoài ra, nghị quyết cũng khuyến cáo tiếp tục hạn chế các chuyến đi lại không cấp thiết. Làm việc tại nhà vẫn tiếp tục được khuyến khích.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị trên, Thủ tướng Merkel cảnh báo về một làn sóng lây nhiễm thứ ba trong cuộc khủng hoảng COVID-19 nếu mọi người không cẩn trọng trước sự nguy hiểm của các biến thể virus SARS-CoV-2. Theo bà, thời gian từ nay tới giữa tháng 3 sẽ là khoảng thời gian "sống còn" bởi sự nguy hiểm của các biến thể là rất thực tế.
Thủ tướng Merkel cũng gửi lời cảm ơn sự góp sức của tất cả các tầng lớp nhân dân, những người đã góp phần đạt được những thành tựu bước đầu trong cuộc chiến chống COVID-19 thông qua các hành vi bản thân, thông qua làm việc tại nhà và ít đi lại. Thủ tướng Merkel cũng cho rằng các biện pháp áp đặt nghiêm ngặt và cứng rắn cho tới nay đã có tác dụng khi số ca nhiễm mới đã giảm. Bà hy vọng các trường học có thể mở cửa trở lại trong tháng 3 này. Do chính sách giáo dục là thẩm quyền của các bang nên các bang sẽ có lộ trình khác nhau để mở cửa trở lại các cơ sở giáo dục tại địa phương. Tại Berlin và Brandenburg, các trường tiểu học có thể từng bước được mở trở lại từ ngày 22/2 tới và có thể xem xét tổ chức xen kẽ giữa việc học ở trường và ở nhà. Trong khi tại bang Hessen, các lớp 5 và lớp 6 cũng có thể mở trở lại từ ngày 22/2 tới.
Cùng ngày 10/2, công ty dược phẩm Biontech của Đức thông báo đã bắt đầu sản xuất vaccine tại cơ sở mới ở thành phố Marburg (bang Hessen), sớm hơn khoảng 1 tháng so với kế hoạch. Với việc cơ sở mới đi vào hoạt động, đây sẽ là một trong những cơ sở sản xuất vaccine mRNA lớn nhất ở châu Âu, với công suất sản xuất hàng năm lên đến 750 triệu liều vaccine COVID-19. Biontech có kế hoạch sản xuất tới 250 triệu liều vaccine tại đây trong nửa đầu năm 2021 và những lô hàng đầu tiên được sản xuất tại Marburg dự kiến được chuyển giao vào đầu tháng 4/2021. Trước đó, để đáp ứng nhu cầu về vaccine toàn cầu, Biontech và đối tác là công ty Mỹ Pfizer đã tăng năng lực sản xuất vaccine lên đến 2 tỷ liều trong năm 2021.