Tàu hộ tống lớp Emden mới toanh của Đức. Ảnh: Bundeswehr
Các nhà chức trách Đức đã mở cuộc điều tra về khả năng phá hoại liên quan đến một tàu chiến mới được đưa vào biên chế sau khi họ phát hiện ra hàng chục kilogam vụn kim loại trong hệ thống động cơ của con tàu chiến mới Emden.
Theo báo Sueddeutsche Zeitung và các đài phát thanh NDR và WDR của Đức, vấn đề với tàu hộ tống lớp Emden được cho là đã được phát hiện trong quá trình kiểm tra tại một xưởng đóng tàu ở Hamburg vào tháng trước, ngay trước khi tàu khởi hành lần đầu tiên.
Con tàu chiến dài 89 mét, dự kiến triển khai ở biển Baltic, vẫn chưa được chuyển giao cho Hải quân Đức vào thời điểm phát hiện ra vụn kim loại. Báo cáo cho biết điều này có thể gây ra thiệt hại đáng kể cho tàu nếu không được phát hiện kịp thời.
Hải quân Đức đã đưa vào hoạt động tổng cộng 5 tàu lớp Corvette, bao gồm cả Emden, được đóng để sử dụng cho mục đích giám sát hàng hải.
Người phát ngôn của xưởng đóng tàu nói với giới truyền thông rằng tàu Emden gần đây đã hoàn thành "một cuộc thử nghiệm trên biển thành công", nhưng từ chối bình luận thêm.
Vụ việc hiện đang được văn phòng công tố khu vực Hamburg và cảnh sát hình sự địa phương điều tra.
Theo đài RT, mặc dù báo cáo không đưa ra bằng chứng liên kết Moskva với vụ việc, nhưng văn bản này khẳng định rằng, Đức, cùng với các quốc gia NATO khác, nghi ngờ Nga có thể đứng sau các hành động bí mật nhắm vào phương Tây.
Bài báo trích dẫn một cuộc điều tra gần đây của cảnh sát về việc phát hiện thiết bị bay không người lái phía trên một căn cứ không quân ở miền bắc nước Đức, nơi các lực lượng Ukraine được huấn luyện, cho rằng vụ việc là một phần của xu hướng ngày càng tăng việc phát hiện thiết bị bay không người lái trên các địa điểm quân sự và công nghiệp ở Đức.
Phát biểu với các phóng viên hôm 11/2, Tham mưu trưởng Hải quân Đức Jan Christian Kaack đã kiềm chế không bình luận về các cáo buộc phá hoại liên quan đến tàu Emden, nhưng tuyên bố rằng một số tàu chiến của Đức trước đó đã bị hư hại do các hành vi phá hoại.
"Đánh giá của chúng tôi: Chúng tôi đang bị thử thách", ông Kaack nói, nhưng không nêu rõ Hải quân Đức nghi ngờ ai chịu trách nhiệm cho những hành vi này.
Trong khi đó, biển Baltic, nơi tàu Emden dự kiến được triển khai, cũng đã chứng kiến một số lượng lớn các vụ việc nghi ngờ là chiến tranh hỗn hợp, bao gồm cả việc cắt cáp ngầm kết nối các thành viên NATO. Những sự cố này đã làm dấy lên lo ngại về an ninh cơ sở hạ tầng quan trọng và khả năng xảy ra các hành động phá hoại có chủ đích.
Vào tháng 11/2024, hai cáp viễn thông ngầm dưới biển, BCS East-West Interlink và C-Lion1, đã bị hư hỏng gần như đồng thời ở biển Baltic. Sự cố này dẫn đến gián đoạn dịch vụ viễn thông giữa các quốc gia trong khu vực.
Trước đó, vào tháng 10/2023, đường ống dẫn khí Balticconnector giữa Phần Lan và Estonia cũng bị hư hỏng, gây ra lo ngại về an ninh năng lượng và khả năng xảy ra các hành động phá hoại có chủ đích.
Để đối phó với những mối đe dọa này, NATO đã tăng cường các biện pháp giám sát và răn đe nhằm bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng dưới biển. Liên minh đã triển khai các nhiệm vụ giám sát mới và tăng cường hợp tác giữa các quốc gia thành viên để đảm bảo an ninh cho các cáp ngầm và đường ống dưới biển.