Cuộc bầu cử diễn ra vào thời điểm các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đảng Liên minh Xã hội cơ đốc giáo (CSU) - đảng kết nghĩa với Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel, có thể phải hứng chịu thất bại lớn tại bang mà CSU hiện diện duy nhất trên toàn nước Đức này.
Từ những năm 1950 trở lại đây, CSU hầu như luôn là đảng duy nhất cầm quyền tại bang giàu có miền Nam nước Đức mà không phải liên minh với đảng nào khác. Tuy nhiên, theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận mới nhất, CSU có nguy cơ mất đi đa số tuyệt đối trong cuộc bầu cử lần này.
Kênh truyền hình ZDF dẫn kết quả một cuộc thăm dò cho biết, CSU chỉ nhận được 34% số phiếu ủng hộ, giảm từ mức 47,7% trong cuộc bầu cử 4 năm trước. Không chỉ CSU, đảng Dân chủ Xã hội (SPD) cũng có thể không giành được kết quả tốt trong cuộc bầu cử, trong khi đảng cánh hữu và chống người nhập cư "Sự lựa chọn vì nước Đức" (AfD) có khả năng cao giành ghế nghị viện bang.
Được hưởng lợi lớn nhất trong cuộc bầu cử nhiều khả năng là đảng Xanh, khi kết quả các cuộc thăm dò cho thấy đảng thiên tả này có thể là đảng lớn thứ hai trong nghị viện bang Bayern, sau CSU.
Kết quả cuộc bầu cử tại Bayern, nếu đúng như các cuộc thăm dò, sẽ là cú giáng mạnh đối với lãnh đạo đảng CSU cũng như Thủ tướng Merkel - Chủ tịch CDU, chỉ 2 tuần trước một cuộc bầu cử nghị viện bang quan trọng nữa là tại bang Hessen. Chủ tịch Quốc hội liên bang Đức Wolfgang Schäuble, một đồng minh kỳ cựu của Thủ tướng Merkel, từng thừa nhận cục diện cuộc bầu cử tại bang Bayern và Hessen sẽ có tác động lớn tới đời sống chính trị quốc gia cũng như uy tín của Thủ tướng Merkel, người đang nỗ lực tái cử chức chủ tịch CDU tại đại hội đảng này vào tháng 12 tới.
Theo Luật Bầu cử liên bang Đức, các thành viên của một đảng đoàn nghị sĩ có cùng mục đích chính trị cơ bản sẽ không cạnh tranh với nhau ở bất cứ bang nào. Theo luật này, hai đảng liên kết CDU và CSU sẽ không "lấn sân" nhau trong các cuộc bầu cử nghị viện bang. Theo đó, CSU sẽ chỉ tranh cử tại "bang nhà" Bayern, trong khi CDU hiện diện tranh cử tại tất cả 15 bang còn lại của nước Đức.
CSU cũng cùng cầm quyền ở cấp liên bang tại Berlin với CDU khi liên đảng bảo thủ giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử Quốc hội liên bang. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng người tị nạn, bắt đầu từ mùa Hè năm 2015, đã dẫn tới những rạn nứt trong "liên minh chị em" này, chủ yếu do CSU phản đối chính sách mở cửa với người tị nạn của Thủ tướng Merkel.