Động thái này diễn ra chỉ một ngày sau khi Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner thuộc đảng Dân chủ Tự do (FDP) bị sa thải, dẫn đến việc đảng này rút khỏi liên minh ba đảng và khiến chính phủ liên minh tại Đức sụp đổ.
Căng thẳng tại Đức leo thang do chính sách kinh tế không phù hợp, khiến nền kinh tế lớn nhất châu Âu phải đối mặt với lỗ hổng hàng tỷ euro trong ngân sách và chuẩn bị có năm thứ 2 rơi vào suy thoái.
Trước sự sụp đổ của chính phủ, lãnh đạo phe đối lập Friedrich Merz, người đứng đầu Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), đã kêu gọi chính phủ Đức cần tổ chức một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm vào tuần tới, thay vì vào năm sau.
Ông Merz lập luận, việc chờ đến tháng 1/2025 để bỏ phiếu tín nhiệm như đề xuất là quá muộn, đồng thời cảnh báo rằng Đức không thể để tình trạng bất ổn kéo dài trong khi phải đối mặt với suy thoái kinh tế, cơ sở hạ tầng đang xuống cấp và quân đội chưa sẵn sàng cho những thách thức hiện tại.
Bên cạnh đó, ông Merz đề xuất rằng cuộc bầu cử liên bang có thể diễn ra vào nửa cuối tháng 1 năm sau, thay vì vào tháng 3.
Tuy nhiên, tình hình vẫn còn bất ổn, với một số thành viên FDP, bao gồm Bộ trưởng Giao thông Volker Wissing, quyết định tiếp tục nắm quyền mặc dù đảng này đã rút khỏi liên minh.
Xáo trộn chính trị xảy ra vào thời điểm đặc biệt, khi Đức có thể phải đối mặt với những căng thẳng thương mại với Mỹ sau chiến thắng của ông Donald Trump, cũng như tình hình xung đột tiếp diễn trong khu vực. Giới phân tích cho rằng cuộc bầu cử mới có thể giúp Đức vượt qua bế tắc, khôi phục sự lãnh đạo và định hướng chính sách sau này.