Đức căng thẳng nội bộ về cấp tên lửa Taurus cho Ukraine

Các chính trị gia Đức vẫn đang vật lộn giải quyết hậu quả sau khi Nga công bố đoạn ghi âm các sĩ quan cao cấp Đức bàn luận về việc cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraine. Sự chia rẽ trong liên minh cầm quyền càng trở nên đã rõ ràng.

Chú thích ảnh
Tên lửa hành trình Taurus được trưng bày tại cơ sở sản xuất của MBDA Deutschland ở Schrobenhausen, Đức. Ảnh: Getty Images

Căng thẳng một lần nữa lại thể hiện rõ trong liên minh cầm quyền của Đức trong đầu tuần này khi tranh chấp kéo dài về việc gửi tên lửa Taurus tới Ukraine được khuếch đại bởi việc Nga đã chặn và công bố ghi âm cuộc trò chuyện về vấn đề này giữa các quan chức quân sự cấp cao của Đức.

Thủ tướng Olaf Scholz, một thành viên của Đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đã loại trừ việc chuyển giao tên lửa ở thời điểm hiện tại, nói rằng tầm bắn của Taurus quá xa và Đức có thể bị lôi kéo trực tiếp hoặc gián tiếp vào cuộc chiến nếu Berlin cố cung cấp chúng cho Kiev.

Tuy nhiên, Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU/CSU) đối lập lại ủng hộ ý tưởng này và đang tiến hành một loạt cuộc bỏ phiếu tại quốc hội (Bundestag) để khuyến nghị nên cung cấp Taurus. Cuộc bỏ phiếu tiếp theo hiện được lên kế hoạch vào ngày 14/3.

Những nhân vật hàng đầu từ cả hai đối tác liên minh cấp dưới của SPD là Đảng Xanh và FDP, cũng đang lên tiếng ủng hộ ý tưởng trên hoặc một số đề xuất thay thế liên quan đến một trao đổi vũ khí với Vương quốc Anh.

Ngoại trưởng Anh David Cameron, người đã đến thăm Berlin vào tuần trước, dường như đã mở ra một cánh cửa thay thế cho ý tưởng chuyển giao tên lửa Taurus dường như đã bị khép lại. Ông đề xuất trong một cuộc phỏng vấn truyền thông với nhật báo Süddeutsche Zeitung của Đức rằng Berlin có thể gửi tên lửa Taurus tới Anh, đổi lại Anh gửi cho Ukraine thêm tên lửa Storm Shadow (có tầm bắn ngắn hơn và không thể vươn xa tới Nga từ Ukraine).

Chú thích ảnh
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại cuộc họp báo chung sau hội đàm ở Berlin ngày 14/5/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Đức đã đưa ra ý tưởng này từ nhiều tháng trước khi tranh cãi về Taurus bắt đầu, nhưng khi đó họ vấp phải phản ứng thờ ơ từ London.

Lãnh đạo đối lập Annalena Baerbock của Đảng Xanh, phát biểu trên truyền hình nhà nước vào cuối tuần qua rằng bà coi đề xuất của Thủ tướng Anh Cameron là một "lựa chọn", nó không hoàn toàn phá vỡ quan điểm của Thủ tướng Đức Scholz nhưng ít nhất cũng đặt ra một giải pháp.

Đồng minh cùng đảng của bà, Omid Nouripour, cũng phát biểu tương tự hôm 11/3 trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình rằng “đây có thể là lựa chọn giúp chúng ta phá vỡ nút thắt”.

Đức gần đây cũng đã thuyết phục Thụy Sĩ bắt tay vào một chương trình trao đổi tương tự với những chiếc xe tăng Leopard do Đức sản xuất đã bị loại bỏ. Theo đó Thụy Sĩ đồng ý trả lại những chiếc xe tăng chưa sử dụng cho Đức, và đổi lại Berlin đảm bảo với Bern rằng họ sẽ gửi các loại xe khác từ kho của mình tới Ukraine.

Về sự cố rò rỉ thông tin với Nga, Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội Đức đã triệu tập một phiên họp đặc biệt vào tối 11/3 để thảo luận về vụ việc và những bài học rút ra. Trong đoạn băng ghi âm dài 40 phút, 4 sĩ quan quân đội cấp cao của Đức đang thảo luận về các kịch bản có thể xảy ra nếu tên lửa Taurus được gửi tới Ukraine. Các cuộc điều tra đang diễn ra nhưng người ta tin rằng Nga đã có thể nghe lén được cuộc trò chuyện, có thể là sau khi một người tham gia đăng nhập với mã bảo mật không đầy đủ.

Các nghị sĩ dự định thẩm vấn Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius, Tổng tư lệnh quân đội Đức Carsten Breuer, và chủ tịch cơ quan tình báo quân đội Đức, Martina Rosenberg.

“Chúng tôi muốn biết làm thế nào điều này có thể xảy ra”, bà Marie-Agnes Strack-Zimmermann, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng, thành viên Đảng Dân chủ Tự do (FDP) trong liên minh cầm quyền, nói trước phiên họp.

Bà Strack-Zimmerman, nổi tiếng là người ủng hộ hàng đầu trong chính phủ liên minh về gửi thêm viện trợ cho Ukraine trong hai năm qua, cũng là quan chức cao cấp nhất có ý kiến trái chiều trong chính phủ. Bà đã ủng hộ đề xuất của đảng đối lập CDU gửi tên lửa Taurus tới Ukraine trong cuộc bỏ phiếu gần nhất.

Chú thích ảnh
Taurus là tên lửa hành trình tầm xa dành cho máy bay do Đức sản xuất, có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách hơn 500 km. Ảnh: EDR Magazine

Taurus là tên lửa hành trình tầm xa dành cho máy bay do Đức - Thụy Điển hợp tác sản xuất, có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách hơn 500 km. Với tầm bắn này, nếu được triển khai tại Ukraine, chúng có thể tấn công các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Nga.

Với đầu đạn nặng tới 480kg, Taurus có thể bắn trúng cả các mục tiêu lẻ như xe tăng, pháo, radar, sở chỉ huy, bệ phóng tên lửa và các mục tiêu lớn hơn như những đoàn xe quân sự, cụm sở chỉ huy, căn cứ quân sự, kho bãi. Hơn nữa, máy bay mang tên lửa không cần phải đi vào khu vực phòng không của đối phương.

Sau nhiều lần sửa đổi, Taurus được trang bị những tổ hợp kỹ thuật mới nhất - hệ thống định vị tự động, thiết bị nhận dạng mục tiêu, cảm biến bức xạ của kẻ thù, bẫy chống tên lửa. Đây là một trong những tên lửa hành trình tiên tiến nhất do châu Âu sản xuất. Ở một số khía cạnh, nó có thể so sánh với Storm Shadow của Anh - Pháp. Thậm chí với một số tiêu chí như cự ly, sức mạnh và nhắm mục tiêu theo nhiều lớp, nó còn vượt trội.

Một ưu điểm khác của Taurus là tên lửa này có thể bay ở độ cao chỉ 35 m khiến hệ thống radar gần như không thể phát hiện.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo DW, Politico)
Tổng thống Putin: Một khi đã vào Ukraine, quân đội Ba Lan sẽ không bao giờ rời đi
Tổng thống Putin: Một khi đã vào Ukraine, quân đội Ba Lan sẽ không bao giờ rời đi

Tổng thống Nga tuyên bố Warsaw mơ được trả lại “vùng đất lịch sử” và bất kỳ nỗ lực nào nhằm đưa quân đội Ba Lan vào Ukraine đều có thể dẫn đến một sự chiếm đóng lâu dài.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN