Theo thông báo của Đại sứ quán Đức, gói hỗ trợ trên bao gồm cả 35 triệu euro đóng góp cho Quỹ rừng Amazon, giúp thúc đẩy sáng kiến trị giá hàng tỷ USD do Na Uy và Đức tài trợ nhằm bảo vệ rừng Amazon và chống nạn phá rừng. Ngoài ra, Đức cam kết tài trợ 33,6 triệu USD để giúp các bang của Brazil bảo vệ rừng Amazon, 87 triệu USD để cấp khoản vay lãi suất thấp cho nông dân tái trồng rừng.
Số tiền còn lại sẽ được chi cho các dự án xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, dự án tiết kiệm năng lượng, thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo trong công nghiệp và giao thông, cũng như hoạt động tái trồng rừng ở các khu vực bị suy thoái.
Theo Văn phòng Tổng thống Brazil, vấn đề bảo vệ rừng Amazon là trọng tâm trong chương trình nghị sự giữa Thủ tướng Đức Scholz và Tổng thống Brazil Lula da Silva.
Ông Scholz là Thủ tướng Đức đầu tiên thăm Brazil kể từ năm 2015 và là nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên thăm quốc gia Nam Mỹ này kể từ khi Tổng thống Lula da Silva nhậm chức ngày 1/1 vừa qua, sau khi quan hệ giữa Đức và Brazil đóng băng dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Jair Bolsonaro. Đức và Na Uy đã tạm dừng tài trợ cho Quỹ rừng Amazon dưới thời ông Bolsonaro.
Quỹ rừng Amazon đóng băng từ năm 2019 khi Tổng thống Brazil khi đó là ông Bolsonaro giải thể ban điều hành và bãi bỏ các kế hoạch hành động. Ông Bolsonaro khi đó cho rằng người Brazil có quyền phát triển các nguồn tài nguyên thiên nhiên tại Amazon. Quỹ này đã được Bộ trưởng Môi trường Brazil Marina Silva tái khởi động sau khi bà nhậm chức với cam kết chấm dứt nạn phá rừng tại khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới này.
Tổng thống Brazil Lula da Silva cho biết Quỹ Amazon sẽ được chi cho các tình huống khẩn cấp, trong đó có cuộc khủng hoảng y tế tại cộng đồng người bản địa ở miền Bắc Brazil. Khu vực này là nơi sinh sống của người da đỏ bản xứ Yanomami đang đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng và nhiều căn bệnh khác do hoạt động khai thác vàng trái phép. Ngày 22/1 vừa qua, Bộ Y tế Brazil đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về y tế tại khu bảo tồn bản địa lớn nhất nước này.
Với diện tích khoảng 7 triệu km2, Amazon là khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, có vai trò sống còn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu nhờ năng lực hấp thu lượng lớn khí thải CO2. Được xem là "lá phổi xanh" của hành tinh, Amazon cung cấp khoảng 20% lượng khí oxy trên Trái Đất, là nơi sinh sống của khoảng 1 triệu thổ dân thuộc 500 bộ lạc và nơi trú ngụ của hơn 3 triệu loài động, thực vật khác nhau.