Các thẩm phán Đức đã yêu cầu các nguyên đơn chứng minh các nhà sản xuất ô tô cố tình gây tổn hại tới người tiêu dùng. Theo phán quyết của BGH, các chủ sở hữu xe chạy bằng diesel có cài đặt chương trình trên sẽ được bồi thường nếu xe của họ có nguy cơ không được lưu hành. Họ sẽ được bồi thường từ 5-15% giá của chiếc xe. Các vụ kiện này có thể khiến Volkswagen, Mercedes-Benz và một số hãng xe khác tổn thất đáng kể.
Luật sư Claus Goldenstein đại diện cho khoảng 50.000 nguyên đơn trong vụ việc, nhấn mạnh phán quyết của BGH sẽ giúp bảo vệ quyền lợi cho hàng triệu người tiêu dùng tại châu Âu.
Phần mềm trên làm giảm hoặc thậm chí khiến bộ lọc hoàn toàn ngừng hoạt động khi nhiệt độ dưới 15 độ C và cao hơn 33 độ C. Các hãng xe cho rằng phần mềm giúp bảo vệ động cơ dù điều này khiến ô tô gây ô nhiễm nhiều hơn. Vào tháng 3, Tòa án công lý Liên minh châu Âu (ECJ) nêu rõ người tiêu dùng có quyền được bồi thường nếu xe của họ có cài đặt phần mềm trái phép này. Trên cơ sở đó, các tòa án Đức có thể tự quyết định mức bồi thường.
Phần mềm trên khác với vụ bê bối năm 2015, khi Volkswagen thừa nhận cài đặt các thiết bị gian lận trên hàng triệu xe chạy bằng diesel nhằm vượt qua các cuộc kiểm tra khí thải. Theo các nhà quản lý, phần mềm đó được sử dụng để phát hiện thời điểm nào xe bị kiểm tra lượng khí thải. Xe sẽ bật hết công suất hệ thống kiểm soát khí thải mỗi khi bị kiểm tra, nhưng lại tự động tắt đi khi xe chạy trong điều kiện bình thường. Do vậy, xe sẽ thải ra lượng khí thải quá hạn mức cho phép theo quy định. Vụ gian lận khí thải của Volkswagen được ví như một "cơn địa chấn" lớn, làm chấn động ngành xe hơi của Đức và khiến tập đoàn này phải trả giá đắt cả về tiền lẫn danh tiếng.