Đức bảo vệ quan điểm cứng rắn với Hy Lạp

Phát biểu trên kênh truyền hình ZDF (Đức) ngày 16/8, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã lên tiếng bảo vệ quan điểm cứng rắn của Berlin trong cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp, cho rằng chính sự cứng rắn đó đã đưa Athens tới những cam kết cải cách cần thiết cho nước này.

Thủ tướng Merkel cho rằng việc Quốc hội Hy Lạp và nhóm Bộ trưởng Tài chính các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup) thông qua gói cứu trợ thứ 3 sẽ giúp Athens có thể "tự đi trên đôi chân của mình". Theo bà, nếu không có quan điểm cứng rắn thì tình hình thậm chí sẽ tồi tệ hơn trong 3 hoặc 4 năm nữa.

Thủ tướng Đức khẳng định chính nhờ sự cứng rắn của nhiều nước, trong đó có sự đóng góp của Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schauble và Chính phủ Đức, Chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras đã phải thay đổi cách tiếp cận của mình, tự nhận thấy rằng Hy Lạp "chỉ có thể bước trở lại trên đôi chân của mình nếu thực sự cải cách". Bà Merkel cũng cho rằng các đối tác của Hy Lạp sẽ theo dõi tiến trình cải cách, thậm chí Athens có thể phải cải cách hơn nữa nếu muốn thấy "ánh sáng cuối đường hầm".

Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: AFP/TTXVN


Đức được xem đóng vai trò chính trong tiến trình đàm phán thông qua gói cứu trợ thứ 3 trị giá lên tới 86 tỷ euro cho Hy Lạp. Theo kế hoạch vào 19/8 tới, Quốc hội Đức sẽ nhóm họp bất thường để biểu quyết về gói cứu trợ cho Hy Lạp.

Cùng ngày, Thủ tướng Merkel đã lên án tình trạng ngày càng gia tăng các vụ tấn công nhằm vào người tị nạn, đồng thời cảnh báo rằng khủng hoảng di cư có thể còn là thách thức lớn hơn cho châu Âu so với vấn đề nợ của Hy Lạp.

Phát biểu trên kênh truyền hình Đức ZDF ngày 16/8, Thủ tướng Merkel đã lên án tình trạng tấn công vào người di cư khi có thông tin nói rằng đã xảy ra trên 200 vụ đốt phá nhằm vào các lán trại và nơi ở tạm dành cho người tị nạn ở Đức, trong bối cảnh quốc gia đầu tàu châu Âu đang phải đối mặt với làn sóng người di cư ồ ạt vào nước này.

Theo nhà lãnh đạo Đức, làn sóng người di cư có thể gây quan ngại cho châu Âu hơn rất nhiều so với vấn đề Hy Lạp và sự ổn định của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Bà cho rằng làn sóng di cư vào Đức, có thể đạt tới 600.000 người trong năm nay, sẽ là một thách thức thực sự đối với Đức.

Trong bối cảnh hàng nghìn người tị nạn phải ngủ trong các lều tạm, giới chức nước này đã cảnh báo tình trạng quá tải người xin tị nạn tại nhiều địa phương ở Đức, Thủ tướng Merkel đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) cần lập một danh sách "những quốc gia an toàn", nơi người dân không bị đe dọa bạo lực hay bị ngược đãi. Những người xin tị nạn từ những "nước an toàn" sẽ nhanh chóng bị trục xuất.

Khoảng 50% trong tổng số khoảng 300.000 đơn xin tị nạn ở Đức kể từ đầu năm tới nay là những người đến từ khu vực Đông Nam Âu, trong đó có tới 40% đến từ các nước khu vực Balkan. Đức tuyên bố sẽ mạnh tay với những đối tượng này để có điều kiện chăm lo tốt hơn cho những người đến từ khu vực chiến sự như Syria, Iraq hay Afghanistan.


TN
Eurogroup thông qua gói cứu trợ tài chính thứ 3 cho Hy Lạp
Eurogroup thông qua gói cứu trợ tài chính thứ 3 cho Hy Lạp

Eurogroup đã nhất trí thông qua gói cứu trợ tài chính thứ 3 cho Hy Lạp, với trị giá có thể lên tới 86 tỷ euro.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN