Dư luận quốc tế nhận định Việt Nam sẽ phục hồi kinh tế nhanh sau đại dịch COVID-19

Nhiều chuyên gia cho rằng thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh COVID-19 cùng với các lợi thế truyền thống có thể giúp nền kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh chóng sau đại dịch.

Chú thích ảnh
Ảnh: TTXVN

Việt Nam là một trong những quốc gia châu Á đạt được nhiều thành công nhất trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19. Bằng việc huy động các nguồn lực sẵn có để thực hiện các biện pháp cách ly và kiểm dịch, thủ đô Hà Nội đã dần đẩy lùi dịch COVID-19 và ngăn chặn được tình trạng quá tải hệ thống y tế.

Theo ông Nguyễn Khắc Giang tại Đại học Victoria Wellington, Việt Nam vẫn có thể kiểm soát dịch bệnh trong tình trạng nền kinh tế ổn định hơn nhiều quốc gia khác. Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế dự báo chỉ đạt 4,9% trong năm 2020, song quốc gia này vẫn là một trong số ít các nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương có mức tăng trưởng dương. 

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nhận định Việt Nam vẫn là nền kinh tế “đặc biệt mạnh mẽ” trong vùng. Mặc dù giá dầu giảm mạnh sẽ tạo gánh nặng đối với nguồn ngân sách hạn hẹp của Việt Nam, song điều này cũng tạo điều kiện cho các nhà hoạch định chính sách có cơ hội kích thích tiền tệ và tài chính khi mối lo lạm phát giảm dần.

Thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát dịch bệnh có thể thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, cùng với các lợi thế truyền thống, như nhân công giá rẻ, chính trị ổn định và có vị trí địa lý gần với Trung Quốc. Giãn cách xã hội cũng đang giúp thúc đẩy quá trình từng bước chuyển đổi đất nước sang nền kinh tế số, được chính phủ coi là trụ cột của sự tăng trưởng bền vững.

Theo kết quả khảo sát Triển vọng Doanh nghiệp thế giới AHK 2020 do Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Đức công bố, đa số doanh nghiệp Đức kỳ vọng vào sự phục hồi kinh tế trong trung hạn của Việt Nam. Mặc dù các công ty Đức bày tỏ lo ngại về những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đối với doanh nghiệp của họ, khiến cho 82% nhà đầu tư phải giảm mục tiêu tăng trưởng trong tài khóa 2020, song họ dự đoán sẽ có sự phục hồi trong giai đoạn trung hạn. Có tới 72% số người được khảo sát trả lời họ sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam trong khi có 27% cho biết sẽ tuyển thêm công nhân.

Việt Nam đang chuẩn bị những biện pháp nhằm phục hồi kinh tế giới hạn trong bối cảnh số ca nhiễm virus ở nước này vẫn ở mức thấp. Chính phủ đang triển khai các biện pháp kích thích để khôi phục hoạt động cho các doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp sản xuất phục vụ xuất khẩu, trụ cột của nền kinh tế nước này.

Nền kinh tế Việt Nam đang hoạt động tương đối tốt ở thời điểm hiện tại. Các nhà máy vẫn hoạt động dựa trên lao động địa phương và tăng trưởng xuất khẩu tăng 6,8% từ ngày 1/1 đến 15/3/2020 so với cùng kỳ năm ngoái.

Khi chính phủ tuyên bố dịch COVID-19 không còn lây lan trong cộng đồng, nền kinh tế Việt Nam có khả năng phục hồi trở lại nhanh nhất có thể, trong bối cảnh vẫn chưa có khách nước ngoài, trong đó có cả khách du lịch.

“Một số nhà hàng đã được mở cửa và mọi người có thể ra ngoài. Điều này có thể khiến nền kinh tế hồi phục nhanh chóng. Vì vậy, đó sẽ là một cú hích lớn và có thể xảy ra trong vòng một tháng kể từ thời điểm hiện tại”, ông Adam McCarty, chuyên gia kinh tế trưởng của Mekong Economics tại Hà Nội, cho biết.

Công ty xếp hạng tín dụng Fitch Ratings đã điều chỉnh triển vọng của bậc xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành nợ dài hạn (IDR) của hai ngân hàng nhà nước và một ngân hàng tại Việt Nam thuộc sở hữu nước ngoài, từ mức ổn định lên mức tích cực. Triển vọng của hai ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam cũng được điều chỉnh từ mức tiêu cực lên mức ổn định.

Chỉ số IDR của tất cả 5 ngân hàng được xác định duy trì ở mức hiện tại vì tổ chức này dự đoán sẽ có sự hồi phục kinh tế vững chắc trong năm 2021, mặc dù vẫn sẽ có những yếu tố khác ảnh hưởng đến những ngân hàng này.  

Năm ngân hàng được Fitch Ratings xếp hạng gồm Vietinbank, Vietcombank, ANZ, ACB và MB.

Fitch Ratings đã hạ điểm môi trường hoạt động của Việt Nam từ b+ xuống bb- nhưng vẫn duy trì mức ổn định cho triển vọng vì dự đoán kinh tế hồi phục khá mạnh trong năm 2021 với dự đoán tăng trưởng đạt 7,3%.

“Việt Nam là nước hưởng lợi lớn từ sự đa dạng hóa vì đã thể hiện sự thân thiện trong khi vẫn đem lại lợi nhuận cho các công ty phương Tây. Trong nhiều trường hợp, Việt Nam sẽ là sự lựa chọn đầu tiên khi những công ty này tìm kiếm một đối tác đáng tin cậy”, ông Alexander Vuving, Giáo sư tại Trung tâm nghiên cứu An ninh châu Á - Thái Bình Dương Daniel K Inouye có trụ sở tại Honolulu, Hawaii, nhận định.

Hải Vân (Tổng hợp)
Việt Nam chống dịch COVID-19 thành công vì đoàn kết và đặt lợi ích nhân dân trên hết
Việt Nam chống dịch COVID-19 thành công vì đoàn kết và đặt lợi ích nhân dân trên hết

Trong gần 3 tháng qua, Việt Nam đã kiên trì áp dụng các chính sách và biện pháp phòng chống dịch đúng đắn, hiệu quả, mang đến những kết quả đáng mừng khi dịch bệnh được kiểm soát với số lượng ca lây nhiễm thấp, không có ca tử vong. Những thành quả của Việt Nam đã được cộng đồng thế giới ghi nhận và đánh giá cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN