Trả lời phỏng vấn Fox Business Network ngày 14/2, Cố vấn Kinh tế của Nhà Trắng, Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Mỹ Larry Kudlow nêu rõ: “Chúng tôi nghĩ có thể trong quý đầu tiên chúng tôi sẽ mất… từ 0,2-0,3% GDP”.
Trước đó, giới chuyên gia cho rằng dịch COVID-19 (nCoV) đã tác động rõ ràng đến sự tăng trưởng của Trung Quốc cũng như nền kinh tế toàn cầu. Mặc dù tỷ lệ tử vong thấp hơn so với dịch Hội chứng Viêm đường hô hấp cấp (SARS), nhưng ảnh hưởng kinh tế của COVID-19 (nCoV) có khả năng lớn hơn do tỷ lệ lây nhiễm rõ ràng cao hơn và quy mô cũng như mức độ hội nhập của nền kinh tế Trung Quốc vào nền kinh tế toàn cầu lớn hơn rất nhiều so với thời dịch SARS.
Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chiếm 16% GDP của thế giới, chiếm khoảng 30% tăng trưởng toàn cầu. Trung Quốc đã đem lại sự hỗ trợ đầy ý nghĩa đối với nền kinh tế toàn cầu trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, tiến trình này cũng có tác dụng ngược lại – một cú sốc tiêu cực ở Trung Quốc sẽ lan sang khắp phần còn lại của nền kinh tế toàn cầu. Các nền kinh tế có liên quan với Trung Quốc đã phát triển tốt khi Trung Quốc hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu trong vài thập kỷ qua.
Sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19 (nCoV) cũng như ảnh hưởng và phản ứng chính sách trên toàn thế giới đã cho thấy rõ triển vọng của hệ thống toàn cầu. Nền kinh tế toàn cầu sẽ trở nên dễ tổn thương hơn và phải hứng chịu những rủi ro kinh tế và chính trị đáng kể hơn. Dự báo cho thấy, sự đóng góp kinh tế từ châu Á cho nền kinh tế toàn cầu sẽ hạn chế hơn và toàn cầu hóa sẽ gặp khó khăn hơn.