Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền tại Nhật Bản ngày 29/9 đã bầu ông Fumio Kishida làm Chủ tịch đảng. Hạ viện Nhật Bản dự kiến tổ chức phiên họp bất thường vào ngày 4/10 để bỏ phiếu bầu thủ tướng thay thế cho ông Suga Yoshihide. Ông Kishida, người sẽ giữ chức Chủ tịch LDP cho đến cuối tháng 9/2024, gần như chắc chắn sẽ trở thành thủ tướng thứ 100 của Nhật Bản vì liên minh cầm quyền hiện chiếm đa số tại Hạ viện.
Chiến thắng của ông Kishida được cho là có sự ủng hộ, hậu thuẫn của nhiều gương mặt lão luyện trong LDP, như cựu Thủ tướng Shinzo Abe và đương kim Bộ trưởng tài chính Taro Aso, những người đã có bước vận động hậu trường mạnh mẽ. Các chính khách này ủng hộ ông Kishida và không muốn Bộ trưởng Cải cách Hành chính Taro Kono lên nắm quyền. Ông Kono được coi là ứng cử viên mang quan điểm cấp tiến, rời xa đường hướng bảo thủ của LDP.
Ông Kishida từng được coi là nhân vật có khả năng kế nhiệm cựu Thủ tướng Shinzo Abe, người từ chức tháng 9 năm ngoái. Tuy nhiên, ông đã thất bại trước Thủ tướng Suga trong cuộc chạy đua vào ghế Chủ tịch LDP khi đó. Ông Kishida đứng đầu phái Kochikai - một trong những phái ôn hòa trong LDP và hiện là nhóm lớn thứ tư trong LDP với 46 nghị sĩ.
Trong chính sách kinh tế, ông Kishida khẳng định mong muốn tiếp tục theo đuổi cải cách kinh tế, với tên gọi “Abenomics” – sáng kiến của cựu Thủ tướng Shinzo Abe, thiên về chính sách tài khóa, tiền tệ nới lỏng. Ông Kishida cũng bày tỏ quan điểm muốn tung ra gói kích thích kinh tế lớn quy mô 30.000 tỉ yên (269 tỉ USD) vào cuối năm nay để vực dậy các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19.
Tuy nhiên, trong chiến dịch vận động tranh cử vừa qua, ông Kishida cũng cam kết sẽ dần từ bỏ chủ nghĩa tân tự do (neoliberalism) về kinh tế vốn giữ vị thế thống trị ở Nhật Bản trong hơn hai thập kỉ qua, để hướng đến cái mà ông gọi là “chủ nghĩa tư bản Nhật Bản mới”.
Theo quan điểm của tân Chủ tịch LDP, chỉ tăng trưởng, giảm thủ tục hành chính, quy định về kinh tế, cải cách cơ cấu nền kinh tế là không đủ để đưa người dân tới hạnh phúc thực sự. Ông Kishida đề cập đến một số giải pháp nhằm tăng thu nhập cho người dân, ví dụ như thông qua biện pháp giảm hoặc ưu đãi thuế đối với các doanh nghiệp có mức chi trả thu nhập, thù lao cao hơn cho người lao động, thu hẹp khoảng cách thu nhập. Ngoài ra, ông Kishida cũng lên tiếng ủng hộ bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trước quyền lực thị trường cũng như thế thống trị của các tập đoàn đa quốc gia.
Một ưu tiên khác của ông Kishida là thực thi chính sách tài khóa lỏng ở biên độ lớn, trong đó có sáng kiến lập "Quỹ vườn ươm đại học" trị giá 10.000 tỉ yên (89,6 tỉ USD), để phục vụ nghiên cứu và phát triển công nghệ. Để thực hiện đầy đủ cam kết về môi trường, hướng đến mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2020, tân Chủ tịch LDP kêu gọi “có đánh giá thực tế” để khởi động lại và xây dựng các lò phản ứng hạt nhân mới.
Từ năm 2013-2017, Fumio Kishida từng đảm nhiệm cương vị Ngoại trưởng Nhật Bản và có thời gian ngắn giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng. Phái Kochikai do ông đứng đầu được đánh giá là lực lượng ôn hòa trong LDP, thiên về ủng hộ hiến pháp hòa bình, tăng cường sức mạnh quân sự, nhưng không cho phép Nhật Bản vũ trang hạt nhân.
Về đối ngoại, nhiều khả năng sẽ không có thay đổi quá lớn. Là nhà lãnh đạo lâu năm của đảng LDP, dự kiến ông Kishida sẽ tiếp tục đường hướng đối ngoại của Nhật Bản như dưới thời hai Thủ tướng Abe và Suga, trong đó trọng tâm là nhấn mạnh liên minh Nhật Bản - Mỹ và cam kết vì một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, đồng thời tăng cường quan hệ đối tác với các thành viên nhóm Bộ Tứ Kim cương.
Ông Kishida cũng nhìn nhận chính sách đối ngoại của Trung Quốc mang vẻ “hiếu chiến” và coi đây là cảnh báo mạnh mẽ cho Nhật Bản, đẩy Tokyo liên kết chặt chẽ hơn với các đồng minh cùng chí hướng như Mỹ, Australia và Ấn Độ nhằm tạo đối trọng về chính trị, kinh tế, quân sự trước Trung Quốc.