Dự án AI trị giá 500 tỷ USD của Mỹ: Thách thức lớn cho châu Âu

Mỹ đã chính thức khởi động một cuộc đua trí tuệ nhân tạo (AI) với quy mô đầu tư khổng lồ, tạo áp lực lớn lên châu Âu trong việc duy trì vị thế cạnh tranh.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng ngày 21/1/2025. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Tổng thống Donald Trump vừa công bố một dự án trị giá 500 tỷ USD nhằm xây dựng hạ tầng AI tại Mỹ, với bước khởi đầu là trung tâm dữ liệu tại Texas.

Sự tham vọng và quy mô lớn của dự án này đã gây chấn động tại châu Âu. Giáo sư Holger Hoos thuộc Đại học RWTH Aachen (Đức) cho biết khoản đầu tư của Liên minh châu Âu (EU) vào AI chỉ đạt 1,5 tỷ euro, chủ yếu dành cho các siêu máy tính hỗ trợ khởi nghiệp và nghiên cứu, con số này quá nhỏ so với khoản đầu tư ban đầu 100 tỷ USD của Mỹ.

Ông Christian Miele - đối tác tại quỹ đầu tư Headline - nhận định rằng dự án của Tổng thống Trump là một lời thách thức lớn đối với châu Âu. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đều khẳng định rằng AI là yếu tố quan trọng để châu Âu khôi phục vị thế dẫn đầu, tuy nhiên, châu lục này vẫn đang phải đối mặt với không ít thách thức đáng kể.

Dự án Stargate của Mỹ đã thu hút sự tham gia của nhiều tập đoàn lớn như SoftBank (Nhật Bản), OpenAI, Oracle và Nvidia. Hệ sinh thái này không chỉ bao gồm các nhà đầu tư mạnh mà còn nhận được sự hỗ trợ từ các công ty công nghệ lớn như Microsoft.

Trong khi đó, châu Âu lại gặp khó khăn trong việc huy động vốn tư nhân. Nhà đầu tư Giorgos Verdi nhận định châu Âu thiếu những "người khổng lồ" công nghệ như Mỹ và cũng không có lợi thế đặc quyền hợp tác với họ.

Ngoài ra, năng lượng cần thiết để vận hành các trung tâm dữ liệu AI là một bài toán lớn cho châu Âu, nhất là khi giá năng lượng leo thang sau cuộc xung đột tại Ukraine. Trái lại, Tổng thống Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về năng lượng để thúc đẩy sản xuất dầu khí, đảm bảo nguồn cung.

Trước áp lực từ Mỹ, châu Âu đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp để tăng cường sức cạnh tranh. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã nhấn mạnh tại Nghị viện châu Âu rằng AI là một lĩnh vực chiến lược, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia thành viên.

France Digitale - tổ chức đại diện cho các doanh nghiệp công nghệ - đã đề xuất EU tiến hành các cải cách tổng thể nhằm thu hút đầu tư hiệu quả hơn. Đồng thời, một đạo luật doanh nghiệp mới cũng đang được soạn thảo để khắc phục tình trạng chồng chéo và thiếu đồng bộ trong các quy định hiện hành.

Các chuyên gia cho rằng EU khó có thể cạnh tranh trực tiếp với Mỹ trong lĩnh vực AI do sự chênh lệch đáng kể về nguồn lực và hạ tầng. Thay vì chạy đua về quy mô, châu Âu được khuyến nghị tập trung vào các dự án AI nhỏ gọn, phù hợp với năng lực hiện tại và mang lại giá trị thực tiễn. Đồng thời, châu Âu cần nhìn nhận rõ những hạn chế trong việc đuổi kịp Mỹ, từ đó tái định hướng chiến lược AI và tập trung vào các lĩnh vực mà châu lục này có thể khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh.

Hoàng Anh/Báo Tin tức (Theo politico.eu)
Mối quan hệ giữa ông trùm công nghệ Nhật Bản và Tổng thống Trump
Mối quan hệ giữa ông trùm công nghệ Nhật Bản và Tổng thống Trump

Trong số những người gặp ông Donald Trump tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Palm Beach (bang Florida, Mỹ) hồi giữa tháng 12/2024, có ông Masayoshi Son, người sáng lập kiêm Tổng giám đốc điều hành của tập đoàn công nghệ truyền thông Nhật Bản SoftBank.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN