Trí tuệ nhân tạo trong y tế tại Mỹ: Cơ hội đột phá và thách thức quản lý

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang tạo ra những bước tiến đột phá trong lĩnh vực y tế và mang lại hy vọng về việc cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe trên toàn cầu.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

AI hứa hẹn sẽ hỗ trợ bác sĩ trong việc chẩn đoán bệnh chính xác hơn, tối ưu hóa các liệu pháp điều trị, đồng thời giảm tải công việc hành chính, giúp hệ thống y tế vận hành hiệu quả hơn. Tuy nhiên, để biến những tiềm năng này thành hiện thực, điều kiện tiên quyết là đảm bảo an toàn và tính minh bạch của các công cụ AI, điều mà nhiều chuyên gia lo ngại vẫn chưa được đáp ứng.

Trong bối cảnh chính phủ Mỹ chưa có đủ nguồn lực để giám sát toàn diện AI, khu vực tư nhân đã bắt đầu bước vào cuộc chơi. Tiến sĩ Brian Anderson - một bác sĩ y khoa từng làm việc tại Massachusetts, hiện là người đứng đầu Liên minh AI Y tế (CHAI) - đã đưa ra sáng kiến thành lập các phòng thí nghiệm đảm bảo chất lượng AI. Ý tưởng này nhận được sự chú ý lớn vơi sự tham gia của hàng loạt tổ chức y tế và tập đoàn công nghệ danh tiếng như Mayo Clinic, Microsoft, Amazon và Google. Các phòng thí nghiệm này dự kiến sẽ kiểm tra và đánh giá độc lập các thuật toán AI, tạo ra một tiêu chuẩn minh bạch để các công cụ này được áp dụng rộng rãi trong y tế.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden sau khi tham vấn các tập đoàn công nghệ y tế hàng đầu, đã thể hiện sự ủng hộ sáng kiến của ông Anderson. Tuy nhiên, cách tiếp cận này không nhận được sự đồng thuận hoàn toàn. Một số nhà lập pháp và bác sĩ lo ngại rằng việc để khu vực tư nhân đảm nhận vai trò giám sát có thể dẫn đến xung đột lợi ích, đặc biệt khi những tổ chức thẩm định đồng thời cũng là nhà phát triển AI. Họ cảnh báo rằng, nếu thiếu các biện pháp quản lý chặt chẽ, các phòng thí nghiệm do ông Anderson đề xuất có nguy cơ ưu tiên lợi ích kinh tế hơn là đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.

Tình hình trở nên phức tạp hơn khi quyền kiểm soát chính quyền sắp chuyển sang ông Donald Trump, người đã cam kết xóa bỏ các lệnh hành pháp của ông Biden về AI. Ông Trump đã tuyên bố rằng AI cần được phát triển tự do, nhưng ông cũng chịu ảnh hưởng từ những cố vấn như ông Elon Musk, người ủng hộ quản lý AI chặt chẽ hơn để ngăn chặn các rủi ro tiềm ẩn. Điều này khiến tương lai của CHAI trở nên không chắc chắn, khi việc thuyết phục chính quyền ông Trump ủng hộ mô hình của ông Anderson là một nhiệm vụ đầy thách thức.

Trong khi đó, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm của Mỹ (FDA) cũng đang gặp khó khăn trong việc theo kịp sự phát triển nhanh chóng của AI. Tiến sĩ Robert Califf - Ủy viên FDA - thừa nhận rằng cơ quan của ông không đủ nguồn lực để giám sát tất cả các công cụ AI tiên tiến. Ông cho biết việc tăng cường nhân sự để đáp ứng yêu cầu này là không khả thi, đặc biệt khi phải đối mặt với sự phản đối từ Quốc hội. Điều này khiến nhiều công cụ AI, như chatbot hoàn toàn không được quản lý, tạo ra lỗ hổng lớn trong hệ thống giám sát.

Dù còn nhiều tranh cãi, ông Anderson vẫn kiên định với kế hoạch của mình. CHAI đã phát triển "thẻ mẫu", một loại nhãn thông tin tương tự như nhãn dinh dưỡng, để giúp người dùng hiểu rõ hơn về điểm mạnh và điểm yếu của các thuật toán AI. Sáng kiến này nhằm bổ sung cho các quy định mới của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, yêu cầu các nhà phát triển công nghệ tiết lộ thông tin chi tiết về cách thức hoạt động của công cụ AI. Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn chưa đủ để thuyết phục những người chỉ trích, bao gồm cả các nhà lập pháp Cộng hòa - những người cho rằng các phòng thí nghiệm của CHAI có thể tạo ra lợi thế không công bằng cho các tập đoàn lớn và làm suy yếu khả năng cạnh tranh của các công ty khởi nghiệp.

Tranh cãi không chỉ giới hạn trong lĩnh vực chính trị mà còn xuất hiện ngay trong nội bộ CHAI. Nhiều thành viên cho rằng việc cấp chứng nhận một lần cho các phòng thí nghiệm là chưa đủ hiệu quả, bởi AI cần được đánh giá dựa trên bối cảnh sử dụng cụ thể trong từng hệ thống y tế. Điều này càng trở nên quan trọng khi AI có khả năng thay đổi theo thời gian, đòi hỏi phải có các phương pháp kiểm tra linh hoạt và thường xuyên. Một số ý kiến đề xuất rằng thay vì chỉ tập trung vào việc xây dựng các phòng thí nghiệm cố định, nên phát triển các công cụ phần mềm có thể nhanh chóng triển khai để đánh giá AI ngay trong môi trường thực tế tại các bệnh viện.

Bên cạnh CHAI, nhiều tổ chức khác cũng đang tích cực tham gia vào việc phát triển các mô hình AI. MITRE và Trường Y khoa UMass Chan đã triển khai các phòng thí nghiệm riêng, tập trung kiểm tra và đánh giá AI trong những điều kiện cụ thể của từng bệnh viện. Đồng thời, các tập đoàn như Duke Health và Avanade đang phát triển các nền tảng hỗ trợ quản lý toàn diện các công cụ AI trong hệ thống y tế. Những nỗ lực đa dạng này không chỉ khẳng định tiềm năng vượt trội của AI trong lĩnh vực y tế mà còn làm rõ những thách thức lớn trong việc xây dựng các tiêu chuẩn thống nhất và toàn diện để đảm bảo an toàn và hiệu quả trên quy mô rộng.

Dù phải đối mặt với nhiều thách thức, ông Anderson vẫn giữ niềm tin rằng thị trường sẽ tự điều chỉnh để tìm ra giải pháp tối ưu nhất cho việc đảm bảo an toàn và hiệu quả của AI. Theo ông, sự cạnh tranh giữa các mô hình đảm bảo khác nhau không chỉ là cần thiết mà còn là động lực thúc đẩy sự minh bạch và niềm tin vào các công cụ AI. Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng vẫn là liệu những thay đổi này có thực sự mang lại lợi ích thiết thực cho bệnh nhân – đối tượng mà hệ thống y tế hướng đến – hay chỉ đơn thuần phản ánh sự đan xen giữa lợi ích kinh tế và toan tính chính trị trong cuộc cách mạng AI đầy tham vọng này.

Hoàng Anh/Báo Tin tức (Theo politico.com)
Cuộc cách mạng toàn diện của trí tuệ nhân tạo
Cuộc cách mạng toàn diện của trí tuệ nhân tạo

Năm 2024 đánh dấu bước ngoặt lịch sử của trí tuệ nhân tạo (AI), khi công nghệ này không còn là tiềm năng tương lai mà trở thành động lực chủ đạo thay đổi nền tảng xã hội và kinh tế toàn cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN