Ukraine tăng cường công nghệ tự hành và trí tuệ nhân tạo trong chiến tranh hiện đại

Ukraine đang đẩy mạnh sử dụng công nghệ hiện đại như xe tự hành và thiết bị bay không người lái (UAV) nhằm thay đổi cục diện chiến tranh trong cuộc xung đột với Nga.

Chú thích ảnh
Thiết bị bay không người lái (UAV) MQ-9 Reaper của Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Các công nghệ này không chỉ giảm rủi ro cho binh lính mà còn nâng cao hiệu quả chiến đấu, góp phần vào chiến lược quân sự tổng thể của quốc gia.

Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi số Ukraine Mykhailo Fedorov cho biết, Ukraine dự kiến sẽ cần đến hàng chục nghìn xe tự hành trong năm tới để phục vụ vận chuyển đạn dược, tiếp tế và sơ tán thương binh từ các chiến hào ở tiền tuyến. Những phương tiện này đã trải qua thử nghiệm trong các điều kiện mô phỏng chiến đấu thực tế, bao gồm các địa hình phức tạp và môi trường có tác chiến điện tử, nhằm đánh giá và tối ưu hóa hiệu suất hoạt động trước khi triển khai rộng rãi trong quân đội.

Ở lĩnh vực không quân, Ukraine cũng đang đầu tư mạnh vào sản xuất UAV tấn công tầm xa, với mục tiêu đạt sản lượng 30.000 chiếc vào năm 2025. Các UAV này được hỗ trợ bởi công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), cho phép chúng vượt qua các hệ thống gây nhiễu và thực hiện nhiệm vụ chính xác ngay cả ở những khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt. Theo ông Fedorov, việc ứng dụng AI không chỉ giúp tăng độ chính xác mà còn giảm thiểu rủi ro khi phải triển khai con người trong các khu vực nguy hiểm.

Xem video về quân đội Ukraine đang nghiên cứu, thử nghiệm mô phỏng xe tự hành để vận chuyển đạn dược, tiếp tế lương thực và cứu hộ thương binh ở trên thực địa. Nguồn: Reuters.

Để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, Ukraine đã triển khai sáng kiến "Brave1" - một chương trình quốc gia nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước phát triển công nghệ quốc phòng. Chương trình này đã cấp hơn 3,3 triệu USD tài trợ cho các dự án công nghệ cao, bao gồm các xe tự hành đa năng như "Tanchik" và "Bureviy", vốn được thiết kế để thực hiện nhiều nhiệm vụ trinh sát, sơ tán đến tấn công mục tiêu và hậu cần.

Bên cạnh nỗ lực tự phát triển, Ukraine còn nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ cộng đồng quốc tế. Gần đây, Đức đã cung cấp 30 nền tảng công nghệ xe tự hành tiên tiến cho Ukraine, đồng thời cam kết hợp tác lâu dài thông qua việc thành lập một trung tâm công nghệ và bảo trì tại nước này vào năm 2025. Những sáng kiến này không chỉ tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine mà còn minh chứng cho mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Ukraine và các đồng minh, đặc biệt trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào các chiến lược quân sự.

Việc triển khai rộng rãi xe tự hành và UAV đang đánh dấu một bước ngoặt trong cách mạng quân sự hiện đại, không chỉ đối với Ukraine mà còn cho chiến lược quân sự toàn cầu, nơi công nghệ đang dần trở thành yếu tố quyết định trong các xung đột hiện đại.

Hoàng Anh/Báo Tin tức (Theo gzeromedia.com/marketscreener/Reuters)
Tỷ phú Elon Musk thúc đẩy cuộc cách mạng UAV, chỉ trích chương trình F-35 của Mỹ
Tỷ phú Elon Musk thúc đẩy cuộc cách mạng UAV, chỉ trích chương trình F-35 của Mỹ

Ngày 26/11, tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk - người ủng hộ mạnh mẽ công nghệ tự động, đã gây chấn động khi công khai chỉ trích chương trình máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN